Hàng nghìn hộ dân bị nợ tiền hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng

10:05, 31/05/2022
.
(Baoquangngai.vn)– Theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP, người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng được hưởng 400 nghìn đồng/ha/năm. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều gia đình, cộng đồng thôn nhận bảo vệ rừng vẫn chưa được hưởng chế độ này. 
[links()]
 
                   Mong nhận tiền hỗ trợ
 
Cũng như 140 gia đình trong thôn tham gia vào cộng đồng thôn bảo vệ rừng theo Nghị định 75, ông Hồ Việt Xuân, ở thôn Trà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng) đang “mỏi mòn” chờ nhận tiền hỗ trợ.
 
Ông Xuân tham gia vào tổ bảo vệ rừng đã 4 năm. Mỗi năm ông nhận được hơn 3 triệu đồng, nhưng mới nhận được khoản tiền hỗ trợ của 2 năm (2018 và 2020), còn năm 2019 và 2021 đến nay vẫn chưa được chi trả.
 
“Bị nợ tiền giao khoán bảo vệ rừng, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng theo đúng cam kết trong hợp đồng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện kiến nghị lên cấp trên sớm chi trả cho dân”, ông Xuân nói.
 
Người dân cùng lực lượng kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng tại rừng đầu nguồn Hồ Chứa nước Nước Trong, thuộc thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).
Người dân cùng lực lượng kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng đầu nguồn Hồ Chứa nước Nước Trong, thuộc thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).
Theo Nghị định 75 của Chính phủ, toàn huyện Trà Bồng có 4.666 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên sản xuất hơn 4.141 ha và rừng tự nhiên phòng hộ gần 525 ha. Diện tích này giao khoán cho 53 cộng đồng và 30 hộ gia đình tham gia bảo vệ. 
 
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng Huỳnh Thị Thanh Thúy cho biết, huyện đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh xem xét, tiếp tục đề xuất phân bổ kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng trong năm 2019 và 2021 để chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để họ yên tâm chăm sóc và bảo vệ rừng.
 
                           Cần sớm tháo gỡ
 
Nghị định 75/NĐ-CP về cơ chế, chính sách, bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, mức hỗ trợ là 400.000 đồng /ha. Để duy trì công tác bảo vệ rừng liên tục, tránh hiện tượng chặt phá rừng khi không được bảo vệ, hết giai đoạn 5 năm, Chính phủ quyết định kéo dài chính sách này đến hết năm 2021. 
 
Tổng số đối tượng tham gia toàn tỉnh có 183 cộng đồng dân cư và 2.150 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích bảo vệ hơn 42.128 ha. 
 
Trong năm 2021, nguồn kinh phí trung ương bố trí trong Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2026 - 2020, đã thực hiện chi trả hơn 2,178 tỷ đồng, trong đó chi trả 584 triệu đồng cho 58 hộ tại thị trấn Di Lăng (Sơn Hà); chi trả hơn 1,594 tỷ đồng cho 185 hộ gia đình tại xã Long Sơn (Minh Long) và Sơn Thành (Sơn Hà). Tuy nhiên, số tiền đã chi trả quá ít so với số tiền người dân được thụ hưởng từ chính sách này. 
 
rừng
 
                Tổng kinh phí chưa thực hiện chi trả hỗ trợ cho quản lý, bảo vệ rừng là hơn 34,578 tỷ đồng.
Theo Sở NN&PTNT, năm 2021 kinh phí chưa được phân bổ theo Nghị định 75 là hơn 18 tỷ đồng, theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là hơn 16,547 tỷ đồng. Tổng kinh phí chưa thực hiện chi trả hỗ trợ cho quản lý, bảo vệ rừng là hơn 34,578 tỷ đồng.
 
Theo Quyết định số 2068 ngày 8/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự toán năm 2021 thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động, Quảng Ngãi được bổ sung dự toán, trong đó phân bổ kinh phí cho quản lý bảo vệ rừng là 4 tỷ đồng. Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn bổ sung để tiếp tục trả nợ kinh phí còn thiếu.
 
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT bố trí kinh phí cho Quảng Ngãi thực hiện quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng năm 2020, 2021 đối với các xã khu vực II, III trên địa bàn tỉnh. Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT bố trí kinh phí theo Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình mục tiêu Quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để chi trả cho người dân và cộng đồng tham gia bảo vệ rừng.
 
Người dân rất mong sớm được giải quyết quyền lợi chính đáng của mình để yên tâm chăm sóc và bảo vệ rừng và phát triển kinh tế.
 
Bài, ảnh: CP
 

.