Lan tỏa các mô hình khuyến nông

10:06, 27/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, huyện Nghĩa Hành đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để triển khai và nhân rộng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân...

TIN LIÊN QUAN

Nhiều mô hình hiệu quả

Tại xã Hành Thiện, dù không có nhiều cánh đồng lớn và màu mỡ, nhưng nông dân sản xuất lúa nơi đây đã có bước đột phá trong việc thực hiện các biện pháp thâm canh. Thay vì làm lúa chỉ để đáp ứng nhu cầu lương thực và chăn nuôi như trước, những năm qua, hàng trăm hộ dân nơi đây đã trở thành đối tác sản xuất lúa giống của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT. Việc liên kết này giúp nông dân tiếp cận nguồn giống chất lượng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên chi phí đầu vào giảm 30 - 35%, hiệu quả kinh tế tăng 20 - 30% so với trước.

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, huyện Nghĩa Hành đã mạnh dạn thí điểm chuyển đổi diện tích đất lúa thiếu nước tưới sang trồng đậu phụng giống LDH01 và L14. “Năng suất đậu đạt 25 tạ/ha, lợi nhuận đạt trên 16 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa 5 triệu đồng/ha. Hơn nữa, chi phí đầu tư trồng đậu thấp, lại không “uống” nước nhiều, nên đỡ chi phí”, ông Trần Văn Hoàng, xã Hành Minh cho biết.

Mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
Mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, chủ yếu là nuôi bò lai, nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học... cũng gặt được nhiều “quả ngọt”.

Điển hình là Chương trình cải tạo đàn bò trên địa bàn huyện, không chỉ nâng tỷ lệ bò lai toàn huyện đạt trên 95% so với tổng đàn, mà Chương trình còn lai tạo đàn bò thịt chất lượng cao trên nền bò cái lai Zêbu, đặc biệt là giống BBB. Hiện nay, nuôi bò lai vỗ béo, nuôi bò lai sinh sản đã trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng, thu hút người dân ở khắp các địa phương trên địa bàn huyện tham gia. “So với bò cỏ, giá trị kinh tế của bò lai cao hơn 1,5 - 2 lần, vì tầm vóc lớn, tăng trọng nhanh, giá trị thịt thương phẩm cao, nên thị trường tiêu thụ ưa chuộng”, ông Trần Văn Vĩnh, xã Hành Thiện cho biết.

Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh

“Điểm sáng nhất” trong việc xây dựng, chuyển giao và nhân rộng các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện Nghĩa Hành chính là phát triển cây ăn quả. Từ năm 2010, Nghĩa Hành đã tiên phong nghiên cứu, lựa chọn và thí điểm trồng các loại cây ăn quả. Đến năm 2013, huyện đã lựa chọn được bưởi da xanh, chôm chôm, chuối ngự, bơ sáp là các đối tượng “hợp” với điều kiện và thổ nhưỡng, để triển khai trồng trên 94ha và đã tăng lên trên 200ha vào cuối năm 2018.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng, bên cạnh các hoạt động tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, ngành nông nghiệp còn tổ chức nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả, giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo nền tảng vững chắc cho việc duy trì và nâng cao chất lượng NTM, nhất là các tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất và môi trường.

Việc xây dựng và lựa chọn nhân rộng những mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả đã giúp người dân huyện Nghĩa Hành chủ động được nguồn giống cây trồng, vật nuôi mới và chất lượng; tiếp cận các phương pháp canh tác mới, cũng như ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng hàng hóa, sản phẩm đảm bảo các yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; chuyển đổi từ chăn nuôi quảng canh sang gia trại, trang trại thâm canh, có giá trị kinh tế cao gấp 2- 3 lần so với phương thức sản xuất cũ. Điều này không chỉ tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cũng như thực hiện có hiệu quả Đề án và mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM.

Trở thành vựa trái cây của tỉnh

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng nhấn mạnh: "Cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế rất cao, doanh thu của nhiều nhà vườn lên đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Chính vì vậy, thời gian tới, song song với việc vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, mở rộng quy mô diện tích trồng cây ăn quả, huyện cũng xúc tiến xây dựng thương hiệu "Trái cây Nghĩa Hành", tiến đến liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị".

Bài, ảnh: THANH PHONG




 


.