Hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt

09:06, 25/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong ba năm trở lại đây, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán phi tiếp xúc đã được ứng dụng mạnh mẽ tại Việt Nam. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử lấy ngày 16.6 hằng năm là ngày không dùng tiền mặt, nhằm khuyến khích người dân không dùng tiền mặt khi mua sắm, giao dịch.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều tiện ích

Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt... Mục tiêu tổng thể của kế hoạch này là 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại có thể chấp nhận thiết bị thẻ trong thanh toán. Đồng thời, mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng xa; nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng vào cuối năm 2020 ít nhất là 70%.

 Ngân hàng MB Quảng Ngãi thông tin đến khách hàng sẽ bắt đầu thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp trong quý III/2019.
Ngân hàng MB Quảng Ngãi thông tin đến khách hàng sẽ bắt đầu thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp trong quý III/2019.

Vì thế, những năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển tiền lương, tiền công qua thẻ ATM.

Phương thức thanh toán trực tuyến qua Internet banking, mobile banking, SMS banking, ví điện tử... cũng ngày càng phổ biến. Anh Nguyễn Thanh Sơn (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: “Thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện ích, nên tất cả những khoản chi tiêu lớn tôi đều quẹt thẻ. Hơn một năm nay, tôi không cần đến ngân hàng hay điểm thu tiền điện, tiền nước để đóng nữa, chỉ cần ngồi ở bất cứ chỗ nào mà có mạng internet là có thể thanh toán được, đỡ tốn thời gian và không bị lỡ việc”.

Nhằm tăng tính bảo mật, hạn chế các rủi ro về gian lận, giả mạo trong thanh toán thẻ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo đến ngày 31.12.2019, các ngân hàng phải thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa (ATM), 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc.

Theo Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Phạm Thị Thúy Kiều, chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp với thời đại công nghệ số hiện nay. Vì phương thức thanh toán này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Việc sử dụng thẻ ATM có nhiều ưu điểm, song hiện nay người dân vẫn còn một số băn khoăn với hình thức thanh toán này. Vì vậy, để khuyến khích người dân không dùng tiền mặt, các sản phẩm kỹ thuật số, thẻ ngân hàng, ví điện tử… cần phải đảm bảo được tính an toàn, người dân phải được bảo vệ quyền lợi khi xảy ra sự cố.

Chíp hóa thẻ ATM

Đối với địa bàn Quảng Ngãi, hiện nay công nghệ chip đã được các ngân hàng ứng dụng cho một số loại thẻ tín dụng, thẻ thanh toán quốc tế phổ biến như: Visa, Master, JCB. Tuy nhiên, phần lớn số thẻ ghi nợ nội địa đều là thẻ từ (dùng cho các máy ATM, POS). Vì vậy, việc chíp hóa thẻ nội địa là rất cần thiết.

Theo Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Hà Hoài Nam, từ đầu năm 2019, Agribank Quảng Ngãi đã chính thức phát hành thẻ chíp không tiếp xúc, với hiệu VISA - VISA PayWave. Ngoài các chức năng và thao tác giao dịch như các thẻ chíp thông thường, thẻ chíp không tiếp xúc thương hiệu VISA cho phép khách hàng thực hiện giao dịch chỉ với thao tác chạm nhẹ vào thiết bị chấp nhận thanh toán POS mà không cần quẹt hay đưa chip vào đầu đọc thẻ.

 Thẻ chíp có tính bảo mật, an toàn hơn trong thanh toán.
Thẻ chíp có tính bảo mật, an toàn hơn trong thanh toán.

Không chỉ ở các ngân hàng thương mại Nhà nước, mà tất cả các ngân hàng TMCP cũng đang thực hiện theo đúng chủ trương, lộ trình chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Phó giám đốc Ngân hàng MB Quảng Ngãi Trần Hoàng Vũ cho biết: “ Bắt đầu từ quý III và quý IV/2019, MB Quảng Ngãi sẽ thực hiện chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp cho khách hàng theo đúng lộ trình của Ngân hàng Nhà nước là 30%”.

Mặt khác, các ngân hàng còn triển khai phương thức thanh toán trên các ứng dụng di động, như mã vạch hai chiều QR Pay, thanh toán trên thiết bị di động ứng dụng công nghệ giao tiếp không dây tầm ngắn NFC, hoặc MST; điển hình là dịch vụ Samsung Pay...

Bài, ảnh: HỒNG HOA



 


.