Phát triển công nghiệp: Cần có bước đột phá hơn nữa

10:02, 26/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngành công nghiệp - xây dựng (CN-XD) đóng vai trò “xương sống” của nền kinh tế Quảng Ngãi, đóng góp trên 52% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng CN-XD chiếm 60 - 61% GRDP và tỷ lệ tăng bình quân 3 - 4%/năm theo Kết luận 18 của Tỉnh uỷ đề ra đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Còn nhiều hạn chế

Thực tế phát triển CN của Quảng Ngãi thời gian qua cho thấy là vẫn phụ thuộc quá lớn vào NMLD Dung Quất. Năm nào NMLD Dung Quất tạm dừng để bảo dưỡng, sửa chữa thì năm đó kết quả phát triển CN và thu ngân sách của tỉnh gặp khó. Hiện tại, quy mô CN của tỉnh vẫn còn nhỏ, việc phát triển các loại hình CN, dịch vụ ưu tiên khuyến khích, thu hút đầu tư còn chậm, như CN lọc hoá dầu, các sản phẩm sau dầu; CN có hàm lượng công nghệ cao, CN phụ trợ; dịch vụ cảng biển, vận tải biển, logistic... Giá trị gia tăng của các sản phẩm CN chủ lực của tỉnh, sản phẩm CN sử dụng nhiều lao động (da giày, may mặc, điện tử, dăm gỗ...) còn thấp.

KKT Dung Quất sẽ trở thành trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia trong những năm tới.
KKT Dung Quất sẽ trở thành trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia trong những năm tới.


Bên cạnh đó, việc thu hút các dự án đầu tư phát triển CN quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm môi trường và có trình độ quản lý tiên tiến còn ít. Ngoài các NMLD Dung Quất, Doosan Vina, Sữa đậu nành Vinasoy, Bia Dung Quất, Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất CN còn lại đều có quy mô vừa và nhỏ, máy móc, thiết bị công nghệ ở mức trung bình, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất vẫn còn hạn chế.

Năm 2019, Quảng Ngãi phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 122.578 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2018, trong đó sản phẩm lọc hóa dầu đạt trên 86.708 tỷ đồng, giảm 3,4%, sản phẩm ngoài lọc hóa dầu 35.870 tỷ đồng, tăng 47,2%. Riêng KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi phấn đấu thu hút vốn đăng ký đầu tư 100 - 150 triệu USD; sản lượng hàng hóa qua cảng 18 triệu tấn, góp phần vào nguồn thu ngân sách trên địa bàn đạt 12.200 tỷ đồng và giải quyết việc làm mới cho 5.000 lao động.

Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật tại các khu CN, cụm CN chưa đồng bộ, nhất là hệ thống xử lý nước thải, chất thải CN. Hạ tầng xã hội tại các khu, cụm CN cũng chưa được quan tâm quy hoạch, đầu tư. Đối với đội ngũ lao động trong lĩnh vực CN, theo đánh giá của nhiều chủ doanh nghiệp thì đa số có trình độ tay nghề thấp; thiếu đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển CN của tỉnh...

Tập trung hỗ trợ các dự án lớn

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu về phát triển CN theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kết luận 18 của Tỉnh uỷ, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh phát triển CN tỉnh Quảng Ngãi năm 2019, với 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra. Cụ thể là: Cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đồng hành hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển CN. Đào tạo nguồn nhân lực quản trị doanh nghiệp, nguồn lao động chất lượng cao phục vụ phát triển CN; khuyến khích khởi nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CN, bảo vệ môi trường trong quản lý CN. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Đẩy mạnh công tác khuyến công và xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp CN vừa và nhỏ, CN nông thôn, thúc đẩy sản xuất.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng, để đẩy mạnh phát triển CN cần phải tiếp tục thực thi cam kết của tỉnh là đồng hành, hỗ trợ và phát triển CN; tập trung hỗ trợ các dự án lớn, đổi mới đầu tư hạ tầng công nghiệp. “Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi chủ động phối hợp với Sở Công thương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công thương xây dựng Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia trên địa bàn KKT Dung Quất.

Tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương, tỉnh Quảng Nam và các nhà đầu tư thực hiện dự án khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các dự án điện khí tại KKT Dung Quất. Đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành và phát huy hiệu quả dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, kịp thời bàn giao cho các nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, Khu CN-ĐT&DV VSIP...”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng chỉ đạo.

Bài, ảnh: MINH THẢO


.