(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai (PCTT) là một yêu cầu cấp thiết, nhưng để thực hiện được là điều không đơn giản.
Sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thống kê của Tổng Cục PCTT (Bộ NN&PTNT), mỗi năm, cả nước có hơn 10 cơn bão, kèm mưa lụt, hạn hán, xâm nhập mặn... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Hạ tầng nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Trong ảnh: Gia cố mái lợp Nhà văn hóa thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa). |
“Thiệt hại do thiên tai gây ra rất nặng, nhưng nguồn kinh phí ứng phó và khắc phục lại hạn chế. Chính vì vậy, việc xây dựng NTM gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu và PCTT là yêu cầu cấp thiết. Sự tích hợp này không chỉ giúp các địa phương tiết kiệm nguồn lực đầu tư, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng của cơ sở hạ tầng nông thôn, mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân”, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Nguyễn Phúc Long cho biết.
Ước tính trong cả nước, mỗi năm thiên tai làm hơn 300 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1- 1,5% GDP, làm giảm 20-30% năng suất cây trồng... |
Tuy nhiên, để xây dựng NTM thích ứng với biến đổi khí hậu và PCTT đạt được mục tiêu đề ra, thì cần có nhiều nỗ lực trong nhận thức và tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở và người dân. Bởi lẽ, kết quả của chương trình này phụ thuộc vào chất lượng của khâu quy hoạch, nên các địa phương phải tính toán và xác định phương thức tổ chức thực hiện sao cho phù hợp. Lồng ghép các nội dung về thích ứng với biến đổi khí hậu và PCTT vào tiêu chí xây dựng NTM cần phải thực hiện đồng bộ ở các địa phương.
Trong khi đó, đề án quy hoạch xây dựng NTM của nhiều địa phương đã hoàn thành và được các cấp thẩm quyền phê duyệt, trước khi có tiêu chí xây dựng NTM thích ứng với biến đổi khí hậu và PCTT được ban hành. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2020, các xã phải tiến hành điều chỉnh quy hoạch.
Theo chính quyền các địa phương, việc điều chỉnh quy hoạch là không quá khó, cái khó ở đây là khi triển khai thực hiện sẽ phải thực hiện như thế nào. Bởi lẽ, bên cạnh hạ tầng nông thôn, công trình dân sinh, thì cơ sở vật chất văn hóa, định hướng phát triển kinh tế, nhận thức của người dân... cũng phải gắn liền với tiêu chí thích ứng với biến đổi khí hậu và PCTT.
Mặt khác, ngoài vấn đề nhận thức của cán bộ và người dân còn mơ hồ, thì rào cản lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện chương trình này là nguồn lực đầu tư. “Đơn cử như việc xây dựng nhà văn hóa thôn. Nếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp của người dân, thì chỉ cần xây dựng theo thiết kế thông thường, nhưng nếu gắn với PCTT, thì phải xây dựng kiên cố, nên kinh phí đầu tư sẽ tăng gấp 2-3 lần”, Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp (Mộ Đức) Huỳnh Văn Như cho biết.
Để công tác xây dựng NTM thích ứng với biến đổi khí hậu và PCTT đạt hiệu quả, các địa phương đã có kiến nghị đến Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cần rà soát, điều chỉnh bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn; đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai của các cơ quan chỉ đạo PCTT...
Bài, ảnh: THANH PHONG