Thực phẩm "nhà làm" lên ngôi dịp Tết

08:01, 30/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước mối lo về sự mất an toàn đối với thực phẩm, nhất là trong dịp Tết, nên người tiêu dùng lựa chọn các loại thực phẩm làm thủ công như bánh mứt, bò khô, chà bông...


Nở rộ thực phẩm “nhà làm”

Cứ mỗi độ Tết đến, gian bếp của gia đình chị Võ Thị Oanh, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) lại vào mùa đỏ lửa. Dù chỉ hoạt động chủ yếu vào mùa Tết, nhưng khách hàng tìm đến lò đùng bánh nổ và đổ bánh thuẫn của chị Oanh đông nghịt.

“Năm nào cũng vậy, đầu tháng 11 âm lịch là tôi bắt đầu rang nổ dồn vào bao để sẵn. Đến cuối tháng 11, tôi bắt đầu công đoạn đóng bánh nổ. Tuy đã gần 20 năm làm nghề này, nhưng vì chỉ làm vào dịp Tết, nên đến nay tôi vẫn đóng bánh bằng thủ công. Ngoài nguyên liệu là nếp rang trên bếp lò, cộng với đường, gừng thì không có bất cứ thứ gì khác. Mình làm thiệt chất, nên bạn hàng ai cũng yên tâm”, chị Oanh cho biết.

Dịp Tết nhiều người lựa chọn thực phẩm “nhà làm”.
Dịp Tết nhiều người lựa chọn thực phẩm “nhà làm”.


Còn đối với chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, thôn Nam Bình, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) thì đây là năm đầu tiên chị làm mứt dừa, mứt gừng để bán. Thế nhưng, khách đặt mua hàng của chị không chỉ những người thân, bạn bè mà ngay cả khách ở Quảng Nam cũng đặt mua với số lượng lớn.

Chị Nhung, chia sẻ: “Trong quá trình làm, các công đoạn từ gọt, thái nguyên liệu đến rim mứt mình đều đăng lên facebook và giới thiệu với mọi người. Qua đó, họ đặt hàng mình ăn thử và thấy ngon, chất lượng nên đặt tiếp; đồng thời giới thiệu thêm bạn bè cùng mua. Mấy ngày nay, khách đặt hàng liên tục nên phải làm ngày làm đêm để kịp giao”.

Hiện tại chị Nhung bán mứt dừa với giá 120.000 - 140.000 đồng/kg; mứt gừng 75.000 – 90.000 đồng/kg tùy theo khách hàng mua với số lượng ít hay nhiều. So với thị trường, mứt của chị Nhung có giá cao hơn 10.000- 20.000 đồng/kg, nhưng vẫn đắt khách.

Theo chị Nhung: "Dù có giá cao hơn, nhưng khách hàng vẫn chọn mua mứt của mình là vì chất lượng. Để có những mẻ mứt dừa vừa ngon, dẻo và trắng thì phải lựa những quả dừa không quá già, cũng không quá non. Trong quá trình rim phải đảo liên tục để dừa trắng đều. Riêng mứt gừng, hiện nay ngoài thị trường bán rất nhiều với lát gừng to, rất đẹp, nhưng người tiêu dùng không dám mua vì sợ chất tẩy trắng. Do đó, thay vì chọn gừng cao sản, gừng Gia Lai thì mình dùng gừng sẻ để làm mứt. Tuy màu sắc không được trắng đẹp, lát gừng cũng nhỏ, thậm chí bị nát, nhưng được cái gừng sẻ có mùi thơm và cay đặc trưng, nên người dùng rất thích”.
       
Khó kiểm soát chất lượng

So với vài ba năm về trước, những năm gần đây, các loại thực phẩm làm theo kiểu truyền thống được các bà nội trợ lựa chọn để dùng trong những ngày Tết. Chính vì vậy mà số lượng người làm các loại thực phẩm theo cách này ngày một phổ biến. Bởi không cần đầu tư về máy móc, lại có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm ra sản phẩm sử dụng trong gia đình, biếu người thân lại vừa bán, kiếm thêm thu nhập, trang trải vào các chi phí khác trong ngày Tết.

Một trong những ưu điểm của thực phẩm “nhà làm” là sản phẩm chỉ làm trong dịp Tết theo kiểu thủ công truyền thống, nên người tiêu dùng cảm thấy an tâm. Hơn nữa, việc tiêu thụ những sản phẩm này theo kiểu “truyền miệng”. Theo đó, người này dùng thử thấy ngon, chất lượng nên giới thiệu người kia. Và cũng chính vì được làm từ những nguyên liệu nguyên chất, thủ công nên giá thành của các thực phẩm “nhà làm” bao giờ cũng cao hơn ngoài thị trường.

Tuy nhiên, về mức độ an toàn thực phẩm trong các sản phẩm làm theo kiểu truyền thống cũng còn tùy thuộc vào sự cẩn thận và có tâm của người làm. Bởi sản phẩm “nhà làm” không sử dụng các chất phụ gia hay hương liệu mua sẵn. Song trong quá trình chế biến, nếu dụng cụ đựng nguyên liệu, môi trường chế biến không sạch sẽ, hoặc công đoạn bảo quản không tốt thì nguy cơ thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt là các thực phẩm như bò khô, gà khô, chà bông, nem, chả...

Thực tế, cái khó hiện nay là các thực phẩm “nhà làm” chỉ làm dịp Tết theo đơn đặt hàng, nhỏ lẻ nên không thể đăng ký kinh doanh. Vì vậy, cơ quan chức năng cũng không có căn cứ để kiểm tra về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nên, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ quy trình làm của các loại thực phẩm trên trước khi mua.


Bài, ảnh: HỒNG HOA  

     

 


.