Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở huyện Sơn Tịnh: Còn nhiều khó khăn

06:08, 31/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, huyện Sơn Tịnh đã tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Nghị quyết 123 của Chính phủ, sáp nhập các xã, thị trấn của huyện vào TP.Quảng Ngãi, quy mô sản xuất CN-TTCN của huyện thu hẹp, tình hình đầu tư phát triển lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn...

Những thành quả bước đầu

Theo số liệu của Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Sơn Tịnh, giai đoạn 2013 - 2015 giá trị sản xuất công nghiệp của huyện có sự tăng trưởng vượt bậc, với mức tăng bình quân 29,6%/năm. Năm 2015, tổng giá trị sản xuất CN của huyện đạt gần 682 tỷ đồng. Trong đó, CN chế biến có giá trị sản xuất cao nhất với 634,6 tỷ đồng, gồm các sản phẩm như: Nông sản chế biến các loại, hàng may mặc, đá lạnh, sản xuất nước mắm, sản phẩm gỗ...

 Khảo sát đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm CN Tịnh Bắc. Ảnh: Như Đồng
Khảo sát đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm CN Tịnh Bắc. Ảnh: Như Đồng

Hoạt động sản xuất duy trì ổn định và có mức tăng qua các năm. Bên cạnh đó, CN khai thác và vật liệu xây dựng cũng là một thế mạnh của huyện, với các sản phẩm như đá xây dựng các loại, cát xây dựng, gạch nung, gạch lát nền... Trong 6 tháng đầu năm 2017, sản xuất CN của huyện tiếp tục duy trì sự ổn định và tăng trưởng. Giá trị sản xuất CN đạt 533,6 tỷ đồng, đạt 43,94% KH năm, tăng 24,17% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài ra, Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi đóng trên địa bàn xã Tịnh Phong đi vào hoạt động, đã thu hút được một số dự án đầu tư công nghiệp thuộc các lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát, dệt, may mặc, công nghiệp chế tạo, giày. Một số dự án đi vào hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động vào làm việc. Riêng KCN Tịnh Phong, đến nay cơ bản đã được lấp đầy, với hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động. Các KCN trên địa bàn huyện, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn công nhân trong các nhà máy, góp phần tăng thu nhập cho người lao động trong và ngoài huyện.

Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sơn Tịnh Đặng Xuân Trung cho biết, thực hiện Đề án Phát triển CN-TTCN, huyện đã triển khai thực hiện quy hoạch phát triển 3 cụm CN, gồm: Tịnh Bắc 30ha, Bình- Thọ 40ha và Tịnh Hà 7,5ha. Đến nay, tại Cụm CN Tịnh Bắc, huyện đã đầu tư xây dựng hoàn thành 2 tuyến đường trục chính và đường nội bộ dài 650m, với tổng kinh phí 9 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 2,8 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện). Riêng Cụm CN Bình - Thọ, hiện đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và lập thủ tục đầu tư, nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất CN. Cũng theo ông Trung, các ngành nghề được huyện khuyến khích đầu tư hiện nay là gạch không nung, mì xắt lát, may mặc, chế biến nông lâm sản...

Khó khăn về nguồn lực đầu tư

Theo lãnh đạo UBND huyện Sơn Tịnh, sau khi chia tách, sáp nhập 10 xã, thị trấn của huyện vào TP.Quảng Ngãi, Sơn Tịnh gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Bởi, quy mô kinh tế bị thu hẹp, các địa bàn đã chuyển cho thành phố quản lý đều là những khu vực có kinh tế phát triển, nên số doanh nghiệp, số thu ngân sách của huyện sau khi chia tách đều giảm đáng kể so với trước. Các cụm, điểm CN trên địa bàn xã Tịnh Ấn Tây, thị trấn Sơn Tịnh (nay là phường Trương Quang Trọng) và các xã phía đông được chuyển về thành phố, nên quy mô sản xuất CN-TTCN của huyện thu hẹp.

“Khó khăn nhất trong đầu tư phát triển CN-TTCN trên địa bàn huyện hiện nay là nguồn vốn đầu tư hạ tầng các cụm CN. Như đối với cụm CN Tịnh Bắc, để xây dựng hoàn thiện hạ tầng 30ha, phải đầu tư tổng kinh phí lên đến 150 tỷ đồng. Riêng giai đoạn từ nay đến năm 2020 cần vốn đầu tư 50 tỷ đồng, để thu hút đầu tư lấp đầy 10ha.

Tuy nhiên, do ngân sách huyện còn hạn hẹp, nên việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm CN này gặp nhiều khó khăn, nhất là hạ tầng điện, cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải...”, ông Đặng Xuân Trung cho biết. Cũng theo ông Trung, trong năm 2016 có một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Nông lâm sản Xuân Trường, Công ty TNHH nguyên liệu giấy Dung Quất... đăng ký đầu tư vào Cụm CN Tịnh Bắc để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mì xắt lát, gỗ ghép thanh, chế biến gỗ xuất khẩu... Tuy nhiên, do CCN Tịnh Bắc chưa được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nên các DN chưa mạnh dạn đầu tư.


Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.