Khó khăn trong thu phí nước thải

07:03, 16/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều quy định về thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý giúp công tác quản lý, BVMT chặt chẽ hơn. Song, việc triển khai công tác này hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự triệt để theo quy định.

Thu phí BVMT nước thải là quy định nhằm giúp nâng cao nhận thức về trách nhiệm BVMT đối với các tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường. Mặt khác, thông qua việc thu phí sẽ giúp cơ quan quản lý về môi trường kiểm soát các nguồn thải chặt chẽ hơn. Song, trên thực tế, việc triển khai thực hiện những quy định trong Nghị định 25, Nghị định 154 vẫn còn vướng nhiều khó khăn trong xác định đối tượng, mức phí... mà các tổ chức, cá nhân phải nộp.

Cụ thể, sau hơn ba năm thực hiện Nghị định 25 quy định về phí BVMT đối với nước thải, mặc dù đối tượng chịu phí theo quy định tại Nghị định này là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Nhưng trên thực tế, ngành tài nguyên môi trường tỉnh chỉ mới áp dụng thu phí môi trường với gần 70% doanh nghiệp có phát sinh nước thải hoạt động trên địa bàn.

Khai thác cát không sử dụng nước, nhưng lại nằm trong đối tượng phải nộp phí.
Khai thác cát không sử dụng nước, nhưng lại nằm trong đối tượng phải nộp phí.


Hơn nữa, do chưa có quy định nào liên quan đến định mức về mức nước của từng ngành sản xuất, việc tính phí chủ yếu dựa vào thông tin do doanh nghiệp tự kê khai, nên mức độ chính xác không cao. Riêng với các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ ở vùng nông thôn, đến nay ngành vẫn chưa thể tiến hành tổ chức thẩm định thu phí BVMT, vì không đủ kinh phí, nhân lực rà soát, kiểm kê và thu phí.

Trong khi những vấn đề cũ chưa giải quyết được, Nghị định 154 về phí BVMT đối với nước thải có hiệu lực thi hành từ tháng 1.2017 lại tiếp tục nảy sinh vướng mắc mới. Cụ thể, nước thải từ các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; nuôi trồng thủy sản; khai thác khoáng sản được Nghị định 154 quy định là đối tượng chịu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp.

Nhưng khó khăn ở chỗ, trên thực tế rất khó có thể xác định được quy mô tập trung như thế nào thì phải nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp. Hơn nữa, tại các vùng nông thôn, hầu hết các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm hay nuôi trồng thủy sản chủ yếu chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, lượng nước thải phát sinh cũng không lớn, nên sẽ rất khó khăn nếu buộc nông dân phải kham thêm khoản phí cố định 1,5 triệu đồng/năm.

Đối với hoạt động khai thác khoáng sản, việc tính toán lưu lượng nước thải cũng khiến các ngành chức năng “đau đầu”. Vì, nước thải từ khai thác khoáng sản chủ yếu là nước mưa; hoặc với các loại hình như khai thác cát thì không sử dụng nước, nhưng lại nằm trong đối tượng phải nộp phí BVMT với nước thải...

Theo  Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Cao Văn Cảnh, những nghị định về thu phí BVMT với nước thải có phạm vi áp dụng quá rộng. Trong khi đó, nhân lực của ngành lại hạn chế, nên rất khó có thể rà soát đúng và đủ danh sách thuộc diện thu phí. Hơn nữa, đối với các hộ gia đình sử dụng nước cấp từ hệ thống cấp nước tập trung, việc đóng phí BVMT đối với nước thải (hoặc đóng phí dịch vụ thoát nước) đều thông qua đơn vị cung cấp nước sạch. Các đối tượng chịu phí khác sẽ do Sở TN&MT (hoặc chủ sở hữu hệ thống thoát nước) tính toán, xác định và trực tiếp thu. Nhưng vấn đề là ai sẽ là người trả lương cho đội ngũ thu phí? Đội ngũ thu phí sẽ triển khai, vận hành theo cơ chế nào?...

Bài, ảnh: Ý THU
 


.