Mô hình nuôi cá ở hồ Nước Trong cần được tiếp sức

10:07, 31/07/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Mô hình nuôi cá trên hồ chứa nước Nước Trong ở xã Trà Xinh (Tây Trà) được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng phát triển kinh tế mới, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao. Song, kể từ khi được thả nuôi đến nay, mô hình này vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thể phát triển mạnh vì thiếu nguồn lực.
 
Sau khi công trình hồ chứa nước Nước Trong cơ bản hoàn thành, nhận thấy diện tích mặt nước ở hồ Nước Trong rất lớn, thuận lợi trong việc nuôi trồng thủy sản, tháng 10.2014, hai cán bộ của xã Trà Xinh là anh Lê Minh Vương- khi ấy là Phó Chủ tịch UBND xã Trà Xinh (hiện nay là Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tây Trà) và anh Nguyễn Tiến, cán bộ phụ trách mảng địa chính - nông nghiệp của xã Trà Xinh đã lập Đề án mô hình nuôi cá nước ngọt tại khu vực lòng hồ Nước Trong. Mô hình được cấp trên chấp thuận hỗ trợ nguồn kinh phí nuôi và được ngành nông nghiệp đánh giá cao.
 
Những người tiên phong mang con cá diêu hồng lên non nuôi thử nghiệm đã đem lại kết quả tích cực. Lứa đầu tiên cá phát triển tốt, mang lại một nguồn thu lớn cho nhiều hộ dân thả nuôi. 
 
Anh Lê Minh Vương cho biết: “Sau khi hồ chứa nước Nước Trong đi vào hoạt động, riêng tại xã Trà Xinh, có khoảng 20ha lúa nước của bà con nhường cho dự án. Bài toán đặt ra là phải tìm được nguồn sinh kế mới cho họ trở nên rất cấp thiết. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng là rất thích hợp với điều kiện tự nhiên ở đây.
 
Mô hình nuôi cá nước ngọt trên hồ Nước Trong bước đầu đã phát huy hiệu quả
Mô hình nuôi cá nước ngọt trên hồ Nước Trong bước đầu đã phát huy hiệu quả
 
Ban đầu có 3 hộ đăng ký nuôi, quy mô 3 lồng cá và được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn về mặt kinh phí. Khoảng  5 - 6 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống rất cao và đạt trọng lượng xấp xỉ 1kg/con, được người dân thu hoạch tỉa dần, mỗi lồng thu về 1,6 - 1,8 tấn cá, với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, đã mang lại cho người dân một nguồn thu khá lớn”. 
 
Anh Nguyễn Tiến, người nhiều năm nay trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi cá chia sẻ: Nhiều bà con chỉ quen tập quán sản xuất nương rẫy, nên việc tiếp cận với kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mới mẻ này còn rất nhiều hạn chế, song với đức tính cần cù chịu khó nhiều hộ đã bội thu trong lứa cá đầu tiên.
 
Vụ cá vừa rồi, 3 hộ nuôi là ông Đinh Văn Thành, Đinh Văn Hoàng và ông Đinh Văn Chiêng đều đạt năng suất cao, hiện các hộ nuôi đang tiến hành vệ sinh lồng nuôi để thả cá trong vụ mới. Ngoài những hộ trên, sắp tới đây hộ ông Hồ Văn Xoay cũng ngụ xã Trà Xinh tiếp tục đăng ký nuôi. 
 
Ông Đinh Văn Thành, hộ nuôi cá lồng ở đây cho biết: “Mỗi năm nuôi được hai lứa, cá phát triển tốt. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong quá trình nuôi cá là nguồn con giống và đầu ra. Nguồn giống, các cán bộ hướng dẫn và mình phải xuống tận huyện Đức Phổ để mua, việc vận chuyển gặp rất nhiều bất lợi. Thị trường tiêu thụ cũng chỉ trên địa bàn huyện, nếu được nhà nước hỗ trợ nguồn con giống, cũng như hỗ trợ tìm đầu ra thì các hộ nuôi sẽ rất phất khởi.
 
Anh Nguyễn Tiến, cán bộ trực tiếp hướng dẫn các hộ nuôi cũng chia sẻ thêm: Kinh phí để đầu tư một lồng cá diêu hồng từ lúc thả nuôi đến khi thu hoạch tốn khoảng 25 triệu đồng. Nhiều hộ rất muốn thả nuôi, nhưng vì đa số bà con là hộ nghèo, vốn liếng rất hạn hẹp, nếu được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thả nuôi ở lứa cá đầu tiên, chắc chắn sẽ mở ra một hướng làm ăn mới cho nhiều người nghèo ở vùng cao này.
 
Bài, ảnh: Ng.Viên
 

.