Hải sản, nông sản rớt giá: Người dân Lý Sơn gặp khó

04:07, 17/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ đầu năm 2014 đến nay, giá các loại hải sản và nông sản tại huyện đảo liên tục giảm khiến nhiều ngư dân, nông dân thu không đủ chi. Mùa vụ mới và những phiên biển mới dường như bị chững lại vì họ đã cạn vốn tái đầu tư.

TIN LIÊN QUAN


Nông sản: Người mua ngỡ ngàng, người sản xuất khó khăn!

Giá hành, tỏi, dưa hấu chưa bao giờ sụt giảm như năm nay. Giá bán liên tục hạ suốt từ đầu vụ, chính vụ cho đến cuối vụ chứ không theo quy luật thông thường khi “mùa rộ” giá bán mới giảm. Nhiều nông dân trồng hành, tỏi đầu vụ thu hoạch thấy giá bán thấp, không bán trữ lại chờ hết vụ đưa ra tiêu thụ nhưng kết cục lại càng lỗ thêm.

 

Giá hành tím từ đầu năm đến nay bình quân chỉ 15.000đ/kg.
Giá hành tím từ đầu năm đến nay bình quân chỉ 15.000đ/kg.


Dưa hấu Lý Sơn vốn nổi tiếng ngọt ngon, đã trở thành “cây thương hiệu thứ hai sau hành, tỏi” của hòn đảo này. Giá bán mỗi ký dưa hấu Lý Sơn thường cao gấp nhiều lần so với dưa trồng ở đất liền. Nhưng năm nay, giá dưa rẻ khiến không ít người mua tỏ rõ sự ngỡ ngàng. Chị Trần Thị Loan, giáo viên Trường THPT Duy Tân (Kon Tum) ra đảo Lý Sơn du lịch nghe tiếng dưa Lý Sơn ngon, ghé vào chợ An Hải mua một quả. Chị bán dưa cân hơn 3kg, nói giá 5.000 đồng. Chị Loan tưởng mình nghe nhầm, hỏi lại. Chị bán dưa giải thích: “Quả dưa này nặng 3,3 kg, mỗi ký 1.500 đồng, nhân lên là 5.000 đồng”. Chị Loan… giật mình, trả tiền, rời chợ mà băn khoăn mãi về giá dưa hấu ở hòn đảo khắc nghiệt, xa xôi này lại rẻ đến không ngờ như vậy.

Riêng giá hành tím Lý Sơn, từ đầu năm đến nay, chưa bao giờ bán ra đạt tới 20.000 đồng/kg. Đầu vụ, chính vụ và cuối vụ, hành khô loại I chỉ dao động ở mức 12.000 – 15.000 đồng/kg. Hành tươi mới thu hoạch về bán với số lượng lớn chỉ khoảng 9.000 đồng/kg. Giá tỏi, đầu vụ bán được 55.000 – 60.000 đồng/kg, sau đó liên tục giảm và đến nay mặc dù đã hết vụ tỏi thông thường giá bán sẽ lại “đội lên cao hơn” nhưng ngược lại, giá tỏi hiện tại sụt giảm hơn đầu vụ và chỉ còn 45.000 – 50.000 đồng/kg đối với tỏi loại I.


Giá hải sản giảm theo từng phiên biển

Ông Dương Minh Thạnh, ngư dân lão luyện ở thôn Đông, xã An Hải cho biết, giá bán hầu hết các loại hải sản qua các phiên biển đều giảm mạnh, chỉ trừ một số mặt hàng là đặc sản thì có phiên sụt, có phiên giữ nguyên. Giá giảm nhiều nhất là “cá vàng vi” – một loại cá ngừ đại dương đánh bắt ở Hoàng Sa có giá trị xuất khẩu. Phiên biển đầu năm, giá thu mua loại cá này là 65.000 đồng/kg. Nhưng qua 7 phiên biển, mỗi phiên sụt giảm một ít, nay chỉ còn 32.000 đồng/kg, tức là giảm một nửa so với hồi đầu năm.

Ông Thạnh và hàng trăm chủ tàu cá khác ở Lý Sơn băn khoăn về giá cá liên tục sụt giảm, mặc dù chất lượng cá không giảm nhưng chẳng biết hỏi ai. Hỏi đầu nậu thì chỉ nhận được câu trả lời: Thị trường tiêu thụ giảm, nên giá thu mua giảm! Thế nhưng thị trường bán lẻ, thị trường xuất khẩu hải sản giảm cụ thể như thế nào dẫn đến tình trạng giá cá thu mua của đầu nậu phải giảm đến 50% thì ngư dân không được thông tin, giải thích.

Nông dân, ngư dân huyện đảo cần gì?

 Tình trạng “mất giá” diễn ra trong suốt thời gian dài, nông dân, ngư dân băn khoăn,  tìm nguyên nhân, nhưng rốt cuộc chỉ biết chấp nhận. Trước thực trạng này, nông dân, ngư dân Lý Sơn rất mong chính quyền và ngành chức năng quan tâm vào cuộc làm rõ nguyên nhân vì sao giá nông sản, hải sản liên tục sụt giảm. “Ngư dân không thể tự mình tìm hiểu rõ nguyên nhân này được. Giả sử như có tìm được nguyên nhân thì cũng không thể giải quyết được gì. Chỉ có chính quyền và cơ quan chức năng mới giúp được ngư dân” – ông Dương Minh Thạnh, thôn Đông, xã An Hải ý kiến. “Nếu là ngư dân bị ép giá thì cũng nhờ chính quyền can thiệp. Còn nếu thị trường tiêu thụ khó khăn thì mong chính quyền xúc tiến mở rộng thị trường để ngư dân yên lòng bám biển làm ăn. Cứ đà thua lỗ này, ngư dân làm sao còn tiền mà đầu tư bám biển nữa” – ngư dân Nguyễn Lợi, thôn Đông, xã An Hải giãi bày.

Đối với hành, tỏi và các nông sản khác, việc sụt giảm giá kéo dài chưa rõ nguyên nhân cũng cần thiết phải có sự vào cuộc của chính quyền để “tìm hiểu, phân tích”, có giải pháp giúp đỡ nông dân. Đất canh tác ít ỏi, sản xuất ngày càng khó khăn, sản lượng bấp bênh vì thiên tai khắc nghiệt... Những yếu tố bất lợi đó cộng với giá bán sụt giảm, chắc chắn đời sống nông dân sẽ khó khăn. Giúp người sản xuất, đặc biệt là ngư dân tìm nguyên nhân, để có cách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hải sản tốt hơn là việc cần thiết phải làm ngay, thiết thực giúp người dân ổn định cuộc sống, an tâm bám biển.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.