Phát huy hiệu quả mô hình quản lý rừng cộng đồng

08:12, 25/12/2012
.

(QNg)- Mô hình quản lý rừng cộng đồng (thuộc dự án KFW6) được trồng thí điểm ở 2 thôn Trường Lệ và Khánh Giang, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành). Sau 5 năm triển khai, mô hình này đã phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ rừng, tạo nguồn lợi cho người dân.

TIN LIÊN QUAN


Nằm ở vùng giáp ranh giữa các huyện Ba Tơ, Mộ Đức, xã Hành Tín Đông  có diện tích rừng nhiều nhất huyện Nghĩa Hành. Trong đó, phần lớn diện tích là rừng tự nhiên, với nhiều chủng loại thực vật đa dạng, phong phú, đặc biệt là các loại gỗ nhóm I như: Lim, Chò.... Chính vì vậy,  Hành Tín Đông được chọn tham gia Dự án khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững (gọi tắt là dự án KFW6) do Cộng hòa liên bang Đức tài trợ, triển khai trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Lợi ích thiết thực

Trong số gần 1.400 ha rừng phòng hộ đầu nguồn nằm trong vùng khoanh nuôi bảo vệ thuộc Dự án KFW6 ở Hành Tín Đông, có hơn 1.012 ha rừng cộng đồng được giao cho người dân ở 2 thôn Khánh Giang, Trường Lệ quản lý, chăm sóc theo quy ước đã được ký kết.

Các thành viên trong tổ bảo vệ thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ rừng.
Các thành viên trong tổ bảo vệ thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ rừng.


Đến với Hành Tín Đông, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống mới đang đến trên vùng đất căn cứ địa khi xưa, với những khu dân cư trù phú nằm dọc theo tuyến đường Tỉnh lộ 624B và được tận hưởng không khí trong lành giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng, với nhiều địa danh ghi dấu những chiến tích oai hùng một thời vàng son của quân và dân Nghĩa Hành trong những năm chống Mỹ, cứu nước. Hôm nay, Hành Tín Đông, nơi có dòng Suối Chí thơ mộng hiền hòa, đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách trong tương lai.

Ông Bùi Thanh Tấn - Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng cho biết: Sau khi tham gia Dự án khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững, ý thức của người dân đối với công tác bảo vệ rừng có những chuyển biến rõ nét. Người dân bắt đầu hưởng lợi từ việc khai thác một số loại lâm sản theo quy định. Toàn bộ giá trị sản vật thu được, sau khi trừ các khoản chi phí sẽ được chia theo đầu người hoặc dùng vào công việc chung như đầu tư mua sắm các thiết bị, vật dụng sinh hoạt tại Nhà văn hóa thôn hay đầu tư làm đường giao thông nông thôn.

Ý thức bảo vệ rừng được phát huy

Bằng nguồn kinh phí do Dự án KFW6 tài trợ, mỗi tổ bảo vệ rừng ở các thôn Khánh Giang, Trường Lệ, có 11 thành viên, thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra, phối hợp với lực lượng Kiểm lâm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác rừng trái phép; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng chống cháy rừng...

Trò chuyện với chúng tôi, các thành viên tổ bảo vệ rừng của thôn Trường Lệ, hồ hởi cho biết, tham gia vào dự án rừng cộng đồng, quyền lợi gắn liền với trách nhiệm, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Vì vậy khi có đối tượng lạ mặt khả nghi vào địa bàn đều được người dân phát hiện và báo cáo kịp thời với lực lượng chức năng. Nhờ vậy, số vụ chặt phá rừng bừa bãi giảm đến 90% so với những năm trước đây.

Cùng với việc bảo vệ tốt 1.000 ha rừng tự nhiên, Hành Tín Đông có gần 400 ha nằm trong vùng rừng phòng hộ dọc theo bờ Suối Chí được khoanh nuôi bảo vệ. Số diện tích này được giao khoán cho các hộ gia đình trồng mới, trồng xen hàng năm. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình tự đầu tư trồng keo trên diện tích đất được giao theo mô hình nông - lâm kết hợp, vừa tăng thêm nguồn thu nhập kinh tế, vừa góp phần tạo thêm màu xanh cho những vùng đất hoang hóa trước đây, như gò Giếng Chùa, Đồng Kho, Đồi Sim,... với diện tích hàng chục hecta.

Trước thực trạng rừng ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng như hiện nay thì việc tìm kiếm các giải pháp để bảo vệ rừng luôn là vấn đề cấp thiết. Vì vậy việc nhân rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng sẽ là biện pháp để khôi phục và bảo vệ rừng bền vững. Một khi lợi ích mà rừng mang lại đến tận tay người dân, tới cộng đồng dân cư với tư cách như một chủ rừng sẽ tránh được tình trạng "cha chung không ai khóc".   


 Bài, ảnh: Hồng Hoa

 


.