Nhìn rừng mà rưng rưng nước mắt Kỳ 3: Khóc vì rừng...

03:11, 09/11/2012
.

(QNg)- Cũng như ở xã Hành Dũng, một số người dân ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) đã đổ mồ hôi khai hoang vỡ hoá trên các ngọn đồi Gò Găng, Gò Mít... thuộc thôn Tân Lập, Đông Trúc Lâm để trồng cây hoa màu ngắn ngày làm nguồn sống cho gia đình từ cuối những năm 1980. Những tưởng họ sẽ được chính quyền hướng dẫn kê khai cấp quyền sử dụng đất, nhưng không, và hiển nhiên nay họ cũng không còn quyền sử dụng. Vì sao? Lời kể của những người trong cuộc sẽ phần nào lý giải được điều này.

TIN LIÊN QUAN


Hơn 30 năm trước, trên các ngọn đồi Gò Găng, Gò Mít... thuộc thôn Tân Lập, Đông Trúc Lâm, xã Hành Nhân cây dại mọc rậm rì, không có một lối đi. Nhưng rồi, vì kế sinh nhai, nhiều người dân "cơm đùm, cơm nắm" bám đồi khai hoang, vỡ hoá. Cứ thế, thời gian trôi qua, hàng triệu giọt mồ hôi con người đổ xuống đã làm xanh lại những ngọn đồi bởi những cây hoa màu ngắn ngày. Nhưng rồi niềm vui nhỏ nhoi ấy không được trọn vẹn…

Bỗng nhiên mất đất

Ông Bùi Được là người lính Cụ Hồ. Năm 1979, ông phục viên trở về địa phương tìm kế sinh nhai cho gia đình. Nhưng với hai bàn tay trắng thì làm gì bây giờ? Ông Được tự nhủ lòng. Lúc này, ngọn đồi Gò Găng cây dại phủ kín, không ai thèm nhòm ngó, nhưng rồi "đói bụng đầu gối phải bò" nên ông cùng một số người "cơm đùm cơm nắm" vào rừng khai hoang, vỡ hoá để trồng mì, chuối và khoai lang... Và rồi, đổi lại những tháng ngày vất vả, đầy mô hôi, nước mắt bằng một màu xanh cây trái ngút ngàn. Khi cuộc sống gia đình bắt đầu no đủ, các con đều được đến trường thì cũng là lúc nguồn sống chủ yếu của gia đình từ đồi Gò Găng bị cắt đi.

Khu đất đồi mà ông Được và ông Thiết khai hoang nay bị chiếm trồng rừng.                Đ.NGUYÊN
Khu đất đồi mà ông Được và ông Thiết khai hoang nay bị chiếm trồng rừng. Đ.NGUYÊN


"Năm 2002, UBND xã Hành Nhân chỉ đạo thu hồi diện tích đất mà gia đình tôi khai hoang với lý do là Nhà nước lấy đất trồng rừng, không phải cho tư nhân thuê. Nói là làm. Sau đó một số người phát dọn, chặt, đốt hết những lớp cây cũ của gia đình trồng trước đó rồi trồng keo lai ngay vào diện tích này (khoảng 7ha)- ông Được, kể. Trong số những người bị xã lấy đất, còn có ông Nguyễn Đăng Nam. Diện tích đất đồi của ông Nam ước cả chục ha có nguồn gốc do ông bà để lại. Từ ngày bị lấy đất, ông Nam đi làm "thợ đụng" để nuôi vợ con. "Cả một vạt rừng hình lưỡi cày, mỗi năm cho thu hoạch hàng tấn chuối. Ngày giỗ chạp, Tết và lo cho con vào năm học mới đều trông chờ vào đó. Thế mà..."- ông Nam ấm ức.

Còn ông Nguyễn Mười, có hơn bảy sào đất đồi cũng bị lấy. Theo ông Mười, vào cuối những năm 70, Nhà nước khuyến khích nhân dân khai hoang, vỡ hóa để làm kinh tế, gia đình ông không quản ngại nắng mưa mới có được chừng ấy diện tích. "Tôi cắm đầu làm nuôi sống gia đình chứ có ai hướng dẫn và biết đâu mà đăng ký sổ lâm bạ. Khi bị lấy đất, tôi thắc mắc thì họ bảo đất không có giấy tờ"- ông Mười bức xúc, nói. Hộ ông Trương Thận cũng lâm vào hoàn cảnh trớ trêu này.

 

Khoảng năm 1997, vì đông con (7 khẩu) nên gia đình ông vào khu vực núi thôn Tân Lập để khai hoang được khoảng 1.500m2 và tiến hành trồng chuối để có thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống gia đình. Đến năm 2000, ông chuyển sang trồng bạch đàn và đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Ông Thận cho biết "Năm 2005, ông Võ Văn Thanh (hiện nay là trưởng thôn Tân Lập) tự ý đến bẻ cây, xâm chiếm phần diện tích đất mà gia đình tôi khai hoang".

Đất hoang nên chúng tôi mới làm
 

Ngày 16/7/2012, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình có Công văn số 326/UBND chỉ đạo Tổ công tác giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện về đất, lâm nghiệp kéo dài trên địa bàn huyện nhanh chóng xác minh, xử lý nội dung đơn của ông Bùi Được và báo cáo kết quả giải quyết cho Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện... (Công văn này không ghi thời gian hoàn thành- PV). Tuy nhiên, vụ việc trên đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Bức xúc trước việc mất đất, người dân thôn Đông Trúc Lâm có đơn gửi các cơ quan chức năng phản ánh và cho rằng một số cán bộ có hành vi chiếm đất mà trước đây họ khai hoang và trực tiếp sản xuất. Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Trí- Bí thư Đảng uỷ xã Hành Nhân, thừa nhận: Diện tích đất đó trước năm 1980 người dân trồng khoai lang, trồng mì là có thật...

Nhưng sau năm 1980, diện tích đất này bị bỏ hoang, lau lách mọc um tùm. Đến năm 2001- 2002, có nhiều người vào khai hoang lại nên ông cùng ba người khác (Lê Văn Phàn- nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hành Nhân, Võ Văn Thanh- Trưởng thôn Tân Lập và Nguyễn Đăng Tuệ- em ruột ông Trí) cũng vào phát dọn được 40 ha rồi trồng keo và đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. "Từ đó đến nay chúng tôi sản xuất ổn định, làm công khai chứ có ai lén lút gì đâu và cũng không ai tranh chấp. Năm 2002, tôi làm công an xã, anh Phàn là Phó Chủ tịch xã. Gia đình làm nông bao đời rồi nên chúng tôi cũng khai hoang làm theo với bà con"- ông Trí giãi bày. Cũng theo ông Trí, nguyên nhân người dân kiện là do họ tưởng giá keo cao, thu được tiền nhiều, chứ thực ra lãi được mấy đồng đâu!

Người dân khẳng định họ canh tác liên tục, không bỏ đất hoang?- Chúng tôi đặt vấn đề. Ông Trí khẳng định: "Người dân bỏ hoang, để trâu bò tự do vào ăn, dưới chân núi có trồng khoai lang, mì nhưng cũng bỏ hoang luôn. Vì vậy, chúng tôi mới vào canh tác, chứ không có chuyện dành đất của dân. Trên thực tế thì dân đã phản ứng gần 10 năm nay. Chúng tôi cũng đã mời lên giải thích rồi, nhưng họ không chịu". "Ai chứng minh được điều ông nói trên?". Ông Trí nói:- "Nhờ vào cơ quan chức năng"(?!). Theo người dân ở đây cho biết, diện tích đất rừng tại khu vực Gò Găng, Gò Mít khoảng 45ha. Trong đó, diện tích dân canh tác chỉ khoảng vài hecta, còn lại là của ông Trí, ông Phàn, ông Thanh và ông Tuệ. "Nếu là dân bình thường có khi tôi không bị kiện như thế này. Vì thực tế có hộ dân làm gần 20ha"- ông Trí thanh minh.

Nhóm PV
 
 
 


.