NM đường Phổ Phong "cõng" vùng nguyên liệu mía Quảng Ngãi

02:12, 19/12/2010
.

(QNĐT)- Nhà máy đường Phổ Phong thuộc Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi đã chính thức bước vào vụ ép mía 2010 - 2011. Đây là năm đầu tiên Nhà máy đường Phổ Phong phải "cõng" cả vùng nguyên liệu mía Quảng Ngãi sau sự kiện Nhà máy đường Quảng Phú di chuyển địa điểm đi nơi khác.

Theo thống kê của Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi, vụ ép 2010-2011, toàn tỉnh có 5.100 ha mía sẽ cho thu hoạch, sản lượng mía nguyên liệu từ 210 - 220 nghìn tấn. Toàn bộ lượng mía này sẽ do nhà máy đường Phổ Phong đảm nhận việc thu mua, chế biến.

Việc thu mua mía ở các địa phương phía Nam tỉnh tương đối thuận lợi vì gần nhà máy, vùng mía được đầu tư thâm canh nên khá tập trung.
 
Nông dân thu hoạch mía.
Nông dân thu hoạch mía. Ảnh:Internet

Tuy nhiên việc chỉ mỗi nhà máy đường Phổ Phong thu mua mía nguyên liệu khiến cho không ít nông dân ở các huyện phía Bắc tỉnh như Sơn Tịnh, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành không khỏi lo lắng vì địa bàn vận chuyển xa, vùng mía nhỏ lẻ, công suất nhà máy không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ mía cho nông dân vào thời điểm chính vụ.

Đây là những băn khoăn chính đáng của nông dân khi mà cứ vào vụ mía, tình trạng tranh mua, giành bán, rồi tiêu cực vẫn thường xảy ra ở những vụ mía trước.

Nắm bắt được những lo lắng của nhà nông, Nhà máy đường Phổ Phong đã tính toán các phương án đảm bảo tiêu thụ hết lượng mía cho nông dân.

Ông Tạ Công Tường- Phó Giám đốc nguyên liệu Nhà máy đường Phổ Phong cho biết: Việc thu mua mía cho nông dân sẽ được tiến hành một cách khoa học, đảm bảo công bằng và thuận lợi nhất cho nông dân. Theo đó, tùy theo từng vùng nguyên liệu, nhà máy sẽ tính toán cụ thể lịch thu hoạch hợp lý, trên cơ sở đó phát phiếu thu mua mía cho nông dân.

Để chủ động cho nhà máy và tránh tình trạng nông dân ở xa vùng nguyên liệu tốn kém chi phí vận chuyển, nhà máy sẽ đồng loạt mua mía tại ruộng với giá 1.000.000 đồng/tấn đối với mía 10 CCS. Việc vận chuyển mía do nhà máy chịu trách nhiệm.

Nhằm tránh tình trạng ứ đọng mía nguyên liệu, nhà máy cũng đã đầu tư 17 tỷ đồng để nâng công suất ép mía từ 1.000 tấn/ngày lên 2.000 tấn/ngày. Như vậy, vụ ép mía 2010-2011 sẽ chỉ kéo dài hơn 3 tháng, tránh được tình trạng mía chín trên đồng không kịp thu hoạch.

Về lâu dài, Nhà máy đường Phổ Phong tiếp tục triển khai mô hình dồn điền, đổi thửa, áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất để tạo vùng nguyên liệu mía bền vững và tăng năng suất, hiệu quả cho người trồng mía.

Hiện nay cả tỉnh đã có 1.400 ha mía áp dụng mô hình này, năng suất bình quân ước đạt 75-80 tấn/ha, trong khi năng suất mía đại trà của tỉnh cũng chỉ dừng lại ở 45 - 50 tấn/ha.

Tuy nhiên quyết định 38 của tỉnh về hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu mía hết hiệu lực vào năm nay. Vì vậy, để xây dựng được vùng nguyên liệu mía tập trung đòi hỏi tỉnh và Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi phải có chính sách phù hợp hoặc kéo dài thêm hiệu lực của quyết định 38 mới mong giữ chân người nông dân gắn bó với loại cây trồng truyền thống này.

Quốc Trung

.