Những gia đình ngư dân hiếu học

04:01, 27/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những cuộc chuyện trò giữa trùng khơi, các ngư dân ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) vẫn thường kể cho nhau nghe về 2 gia đình ngư dân trong thôn là Lê Hồng Hạnh và Huỳnh Dân đều có con làm bác sĩ. Với ngư dân - những người quanh năm lênh đênh giữa biển khơi, nỗ lực và tinh thần hiếu học của con chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục cuộc mưu sinh.
 
[links()]
 
Tự hào những bác sĩ trẻ của làng
 
Những ngày đầu năm mới, bác sĩ Lê Hồng Sương (29 tuổi), quê ở làng Mỹ An, thôn Mỹ Tân (xã Bình Chánh) vui mừng thông tin, sau 6 năm học chuyên ngành bác sĩ đa khoa, 3 năm ra trường làm việc, tôi sắp  đi học bác sĩ chuyên khoa I để tiếp tục trau dồi chuyên môn, phục vụ bệnh nhân được tốt hơn.
 
Gia đình ngư dân Lê Hồng Hạnh luôn tự hào về người con trai đang làm bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
Gia đình ngư dân Lê Hồng Hạnh luôn tự hào về người con trai đang làm bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
Đỗ vào Trường Đại học Y Dược Huế vào năm 2013, với 28 điểm, Lê Hồng Sương là người có điểm thi đại học cao nhất thôn Mỹ Tân lúc ấy và đến giờ, Sương vẫn nằm trong tốp những người có điểm thi đại học cao của thôn trong 10 năm trở lại đây. Sau 6 năm học ngành bác sĩ đa khoa, Sương được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương nhận vào làm việc tại Khoa Phụ sản. Tại đây, bác sĩ trẻ quê Quảng Ngãi tiếp tục phát huy năng lực, cống hiến sức trẻ trong công việc và trực tiếp đảm nhận nhiều ca mổ khó.
 
Đạt được thành tích cao trong học tập và công việc, nhưng khi được hỏi về bí quyết học tập, Sương giản dị kể, từ năm lớp 1 đến lớp 7, tôi luôn nằm trong danh sách những học sinh học tệ nhất của lớp. Tôi từng khiến ba mẹ buồn lòng nhiều lắm. Mãi đến năm lên lớp 8, suy nghĩ của tôi lúc ấy dần trưởng thành hơn, tôi tự buộc mình phải học chăm chỉ, học để giỏi hơn bản thân của ngày hôm qua. Từ chính cuộc đời mình, tôi nhận thấy, nên có quyết tâm học, thì không bao giờ muộn.
 
Cũng xuất sắc tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Huế, bác sĩ Huỳnh Thị Dưỡng (30 tuổi), quê ở làng Mỹ Thành, thôn Mỹ Tân (xã Bình Chánh) hiện là bác sĩ mắt tại một bệnh viện tư nhân tại tỉnh Long An.
 
Lần giở những tờ giấy khen của con gái được chất thành một chồng cao, xếp ngăn nắp trong tủ, bà Bùi Thị Phòng (56 tuổi) xúc động bảo, ở xứ biển, cha mẹ suốt ngày lam lũ làm việc, đâu có thời gian mà đôn đốc con cái học hành. Dưỡng tự hiểu điều đó và luôn tự lập, nỗ lực học. Ngày biết tin con thi đỗ Trường Đại học Y dược Huế, tôi đã khóc. Khóc vì tự hào về con mình, khóc vì không biết có nuôi nổi con học tận 6 năm hay không? Nhưng rồi, con hiểu hoàn cảnh gia đình, nên chi tiêu tiện tặn và vừa học, vừa làm thêm. Nhờ vậy mà nay, gia đình tôi mới có bác sĩ!
 
Động lực của ngư dân giữa trùng khơi
 
"Tôi là ngư dân, quanh năm đi biển, không nhiều chữ nghĩa. Nhưng thấy con có chí học hành, tôi cứ ra sức đi biển, để kiếm tiền lo cho con. Con là động lực của tôi", ngư dân Lê Hồng Hạnh, cha của bác sĩ Lê Hồng Sương, tâm sự.
 
Ngư dân Huỳnh Dân và vợ Bùi Thị Phòng lần giở những giấy khen về thành tích học tập của con gái Huỳnh Thị Dưỡng.
Ngư dân Huỳnh Dân và vợ Bùi Thị Phòng lần giở những giấy khen về thành tích học tập của con gái Huỳnh Thị Dưỡng.
Chuyên làm nghề câu mực xà đại dương ở ngư trường Trường Sa, ngư dân Lê Hồng Hạnh ở biển nhiều hơn ở bờ. Lênh đênh trên biển quanh năm suốt tháng, hai cha con ông chỉ "gặp nhau" qua máy thông tin liên lạc Icom. "Tôi toàn nghe con thông báo kết quả học tập khi đang ở giữa biển. Nghe con học được, bao nhiêu mệt mỏi như tan biến đi. Chuyện học của con là đề tài được mấy anh em ngư dân trên tàu mang ra chuyện trò nhiều nhất khi ở trên tàu. Làm cha, mẹ là vậy! Còn chuyện gì quan trọng hơn chuyện học của con", ngư dân Hạnh cười hiền bảo.
 
Quanh năm làm bạn chài trên các tàu câu mực, ngư dân Huỳnh Dân (55 tuổi), cha của bác sĩ Huỳnh Thị Dưỡng, trầm ngâm kể, theo tàu câu mực ra đến ngư trường Trường Sa, thì mỗi ngư dân sẽ xuống một chiếc thúng, rồi lênh đênh câu mực xuyên đêm. "Giữa đêm tối, gió thốc lạnh buốt, con cái chính là ngọn lửa, giúp tôi ấm lòng mà vượt qua mọi khó khăn, là động lực để tôi đi biển không ngừng nghỉ", ông Dân bày tỏ.
 
Giữa biển cả mênh mông, những câu chuyện về "cha làm ngư dân, con làm bác sĩ" của gia đình ngư dân Lê Hồng Hạnh, Huỳnh Dân trở thành động lực của nhiều ngư dân. Họ kể cho nhau nghe trong những ngày lênh đênh trên biển và dặn nhau cố gắng lo cho con ăn học đến nơi đến chốn.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 

.