(Báo Quảng Ngãi)- Thường xuyên làm việc trên cao, nên người lao động (NLĐ) trong lĩnh vực xây dựng, viễn thông, điện... đối mặt với nhiều hiểm nguy. Vì thế, tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), cũng như kiểm soát tốt các yếu tố tiềm ẩn nơi làm việc sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn.
[links()]
Hậu quả nặng nề
Cách đây 3 năm, anh Nguyễn Văn Hiền (34 tuổi), ở thôn Phú Văn, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), trong lúc thi công sơn nước cho một nhà dân ở TP.Quảng Ngãi thì bị điện giật, rơi từ tầng 2 xuống đất. Anh bị bỏng nặng, bất tỉnh, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Anh Hiền phải cắt bỏ cánh tay trái, toàn thân bỏng nặng... Từ một người khỏe mạnh, là trụ cột chính của gia đình, giờ đây anh Hiền chỉ làm được những công việc nhẹ, kinh tế gia đình phải phụ thuộc vào người vợ.
|
Lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng cần sử dụng các thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn. Ảnh: V.Y |
Hay vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra vào tháng 4/2021 đối với 3 công nhân của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất là Huỳnh Ngọc Tuyền, Phạm Tèo và Hồ Văn Cường. Trong khi đang làm việc tại xe nâng ở khu vực ụ khô số 1 để sơn thân tàu Galilean 7, thì cả 3 công nhân bị ngã từ trên cao xuống, khiến 2 công nhân tử vong và 1 công nhân bị thương.
“Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần chủ động tổ chức tập huấn nghiệp vụ, trang bị phương tiện bảo hộ, khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Đối với NLĐ, cần nâng cao nhận thức, chấp hành đầy đủ nội quy, quy định của doanh nghiệp; kiểm tra, rà soát, phòng ngừa các mối nguy hiểm để làm việc an toàn. Đối với NLĐ tự do, nên thực hiện các biện pháp bảo đảo an toàn như trang bị, sử dụng thiết bị bảo hộ, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho chính bản thân mình”.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH
NGUYỄN TẤN ĐỐI
|
Trên đây là 2 trong nhiều vụ TNLĐ xảy ra khi NLĐ làm việc trên cao. Cảnh NLĐ phải đứng chênh vênh trên những giàn giáo đơn sơ, tạm bợ, hoặc làm việc trong tình trạng thiếu trang thiết bị an toàn diễn ra khá phổ biến. Tại nhiều công trình, nhà xưởng, phần lớn công nhân khi làm việc chỉ đội mũ mềm, ít sử dụng mũ bảo hộ, hoặc khi làm việc trên cao hàng chục mét nhưng không có dây đai bảo vệ, khi TNLĐ xảy ra thường dẫn đến hậu quả nặng nề.
Anh Lê Văn Nhân (45 tuổi), quê ở huyện Sơn Tịnh, làm công nhân xây dựng tại nhiều công trình nhà ở cho biết, để bảo vệ sức khỏe, một số NLĐ cũng tự mua sắm thiết bị, đồ dùng bảo hộ cá nhân. Song đa phần vẫn tiếc tiền, ngại sử dụng, nhất là khi trời nóng bức, khó thao tác. Vì thế, không khó để bắt gặp hình ảnh công nhân đầu trần, chân không mang giày dép khi leo trèo... thi công các công trình xây dựng hay lắp đặt, sửa chữa thiết bị điện gia đình và một số người đã gặp rủi ro.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, việc kiểm tra ATVSLĐ được ngành quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều NLĐ ở các công trình xây dựng dân dụng thường xuyên làm việc ngoài trời, trên cao, trong thời tiết khắc nghiệt, nhưng chưa chú ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Điều này dẫn đến nguy cơ cao xảy ra tai nạn do té ngã, tai nạn điện giật do tiếp xúc gần với các đường dây điện hạ thế...
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn
Thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, hằng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo tai nạn, đặc biệt là ở các ngành, lĩnh vực nguy cơ cao như: Xây dựng, điện, khai thác khoáng sản... Sở LĐ-TB&XH còn mở các lớp huấn luyện an toàn cho NLĐ trực tiếp và cán bộ quản lý; đồng thời thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ tại nhiều doanh nghiệp.
Cùng với nỗ lực của ngành chức năng, trong quá trình vận hành, nhiều doanh nghiệp cũng đặt tiêu chí ATLĐ lên hàng đầu. Nhất là đối với các doanh nghiệp thuộc ngành điện lực, viễn thông, đường sắt... Bởi đặc thù công việc của các ngành này thường xuyên phải trèo cột cao hàng chục mét, tiếp xúc với các loại dây, thiết bị điện...
|
Nhân viên điện lực kiểm tra hệ thống điện. Ảnh: V.Y |
Đảm bảo môi trường lao động lành mạnh và an toàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công ty Điện lực Quảng Ngãi. Trong bất cứ điều kiện thời tiết nào, những công nhân ngành điện vẫn phải sẵn sàng có mặt tại hiện trường để tu sửa đường dây, lưới điện. Vì thế, môi trường làm việc đối mặt với nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn điện, ngã từ trên cao, cháy nổ... Vì vậy, hằng năm công ty đã dành kinh phí đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân, dụng cụ chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện. Ngoài ra, còn thường xuyên tổ chức tập huấn và sát hạch an toàn đối với công nhân ngành điện; yêu cầu nhân viên vận hành điện tại các cơ sở sản xuất phải sử dụng đầy đủ các trang bị, thiết bị kỹ thuật an toàn, thực hiện đúng quy trình quy phạm về an toàn điện.
“Để đảm bảo an toàn điện, NLĐ phải có ý thức tự bảo vệ mình, tự cảm nhận và nhận biết được những việc nên làm, không nên làm, đúng theo quy trình, quy định. Hơn nữa, NLĐ tới hiện trường phải chuẩn bị đầy đủ về sức khỏe, tâm lý cũng như phương tiện để thực hiện công việc”, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi Phan Vũ Đông Quân nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Tấn Đối, nhằm góp phần hạn chế TNLĐ, đảm bảo ATVSLĐ, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và điện, ngành chức năng và các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện Bộ luật Lao động, Luật ATVSLĐ và các văn bản pháp luật có liên quan. Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình ATVSLĐ; tăng cường kiểm soát nguy cơ, rủi ro và đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp...
Theo Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 202 vụ TNLĐ, làm 214 người thương vong. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh đầy đủ thực trạng TNLĐ trên địa bàn tỉnh, vì có nhiều vụ việc, nhất là lao động tự do trong lĩnh vực xây dựng, sửa chữa điện dân dụng bị tai nạn không báo cáo đầy đủ cho các cơ quan chức năng. |
VŨ YẾN