Trà Bồng, sáng thu nay

10:08, 29/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua 63 mùa thu lịch sử, sau Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi thắng lợi,  vùng đất cách mạng Trà Bồng giờ đây đã có nhiều khởi sắc. Bức tranh kinh tế- xã hội của huyện sáng lên những mảng màu tươi mới. Đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.
 
[links()]
 
Nhớ về mùa thu lịch sử
 
Từ năm 1955, nhằm truy tìm và tiêu diệt những người tham gia hoặc liên quan đến Việt Minh, chính quyền Ngô Đình Diệm đã triển khai chiến dịch “Tố cộng diệt cộng”. Chính sách này được thực hiện thông qua "Luật 10/59”. Những năm tháng ấy, chúng lê máy chém đi khắp nơi, thực hiện khẩu hiệu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Đã có hàng chục nghìn người bị bắt giam. Nhiều cơ sở cách mạng ở miền Nam bị địch dìm trong biển máu, làm cho một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hoang mang, dao động...
 
Đồng bào Cor Trà Bồng đấu chiêng mừng mùa màng bội thu.                                                               Ảnh: ĐÌNH QUANG
Đồng bào Cor Trà Bồng đấu chiêng mừng mùa màng bội thu. Ảnh: ĐÌNH QUANG
Ở 4 huyện miền Tây Quảng Ngãi, địch đã lập chính quyền tay sai cấp huyện và bắt đầu xây dựng chính quyền cấp xã, ráo riết thực hiện chính sách “tố cộng diệt cộng” và “Luật 10/59”. Mặc dù vậy, những cơ sở cách mạng ở đây vẫn được bảo toàn. Trong bối cảnh ấy, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tin tưởng, dựa vào quần chúng và tập hợp lực lượng, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, rút thanh niên vào các trại sản xuất, kêu gọi nhân dân tự giác đứng vào hàng ngũ cách mạng. Đặc biệt, Quảng Ngãi đã thành lập 3 đơn vị vũ trang 339, 89 và 299, sẵn sàng chiến đấu chống áp bức và kẻ thù xâm lược; chờ thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền...
 
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ngày 23/8/1959, đồng bào Cor các xã Trà Thủy, Trà Giang biểu tình tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội bù nhìn của chính quyền Ngô Đình Diệm. Địch khủng bố, giết hại dã man 13 dân thường. Ngọn lửa căm thù càng sục sôi. Không chịu áp bức, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, sáng sớm 28/8/1959, già trẻ, gái trai ở các xóm, làng cùng với các đội du kích xông lên với súng gươm, cung tên, dao rựa, gậy gộc... vây bắt địch. Núi rừng Trà Bồng vang dội tiếng trống, tiếng mõ, tù và, xen lẫn tiếng súng của lực lượng thanh niên vũ trang xuống đường chống địch. Ngay sau đó, cuộc khởi nghĩa vũ trang đã lan nhanh ra các xã khác. Đơn vị 339 cùng du kích và nhân dân chặn đánh địch ở nhiều nơi, tấn công chiếm trụ sở, dẹp bộ máy chính quyền bù nhìn. Địch rút chạy. Tin Trà Bồng được giải phóng lan nhanh khắp các huyện miền núi của tỉnh.
 
Theo đó, cả miền Tây Quảng Ngãi nhất tề đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. “Ngày đó, tôi ở đội công tác huyện Bình Sơn được điều về tham gia khởi nghĩa ở vùng quận lỵ Trà Bồng. Đúng giờ, chúng tôi nhất tề nổ súng dưới sự hỗ trợ của C339, nên cuộc khởi nghĩa đã thành công”, nguyên Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Minh Sơn, nhớ lại.
Thắng lợi của Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đã làm nức lòng nhân dân cả nước, khiến kẻ thù phải khiếp sợ. 
 
Thắng lợi đó là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh ủy Quảng Ngãi lúc bấy giờ; thể hiện tinh thần yêu nước, bất khuất, kiên cường của đồng bào Cor huyện Trà Bồng và các dân tộc anh em ở miền Tây Quảng Ngãi. Cuộc khởi nghĩa đã mở đầu phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân miền Nam, mở ra phong trào đồng khởi và khơi thông dòng thác cách mạng ở miền Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, trở thành niềm tự hào của nhân dân Quảng Ngãi và cả nước.
 
Ngày mới ở Trà Bồng
 
Gần 63 năm đã trôi qua, ngọn lửa của Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vẫn còn sáng mãi. Người Cor Trà Bồng luôn tự hào được mang họ Bác Hồ, một lòng, một dạ sắt son với Đảng, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng và các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ triển khai các dự án trên địa bàn huyện đã tiếp thêm sức sống mới cả về vật chất, tinh thần cho huyện tiến nhanh và vững chắc hơn trên hành trình phát triển. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt 1.871 tỷ đồng, đạt gần 102% kế hoạch, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến nay, bình quân mỗi xã đạt 11,6 tiêu chí nông thôn mới và có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2021, huyện giảm được 4,7% hộ nghèo. 
 
Đời sống nhân dân mỗi ngày được nâng cao. Công tác y tế, giáo dục được quan tâm. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện thường xuyên. Các hoạt động văn hóa, TDTT diễn ra sôi nổi. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể có nhiều đổi mới. Hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
 
Nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Trà Bồng ngày càng khởi sắc, bình yên.                             ẢNH: THANH TRUNG
Nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Trà Bồng ngày càng khởi sắc, bình yên. ẢNH: THANH TRUNG
Theo ông Ngọc, ngày trước, đời sống người dân huyện Trà Bồng gặp rất nhiều khó khăn; hạ tầng kỹ thuật của huyện yếu kém; giao thông cách trở... Còn hiện nay, đường từ trung tâm huyện đến xã đã thông suốt. Hệ thống giao thông của huyện được bê tông, thảm nhựa, mở ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế- xã hội của các xã vùng sâu, vùng xa của huyện.
 
Đến Trà Bồng hôm nay, ai cũng sẽ cảm nhận được sự đổi thay thể hiện rõ nét trên từng tuyến đường, ngôi nhà hay mỗi công trình... Nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát. Những con đường đất lầy lội ngày nào giờ đã nhường chỗ cho đường bê tông, thảm nhựa. Các công trình thủy điện, thủy lợi, văn hóa, giáo dục... được đầu tư xây dựng đã tạo động lực cho Trà Bồng phát triển.
 
Hiện nay, huyện Trà Bồng có 5.240ha quế; duy trì và phát triển hơn 110ha chè. Huyện từng bước phát triển cây gừng sẻ và một số cây dược liệu như tam thất, sâm bảy lá, sả, sâm cau, đẳng sâm, thiên niên kiện, mật nhân... Cùng với đó, Trà Bồng cũng triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). UBND tỉnh đã cho phép sử dụng địa danh “Trà Bồng” và xác nhận bản đồ khoanh vùng sản xuất đăng ký bảo bộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Gừng sẻ”. Sản phẩm quế Trà Bồng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. 
 
"Điều đáng ghi nhận nhất của huyện Trà Bồng thời gian qua là, nhận thức của người dân về phát triển kinh tế đã thay đổi, từ cách nghĩ đến cách làm. Trước đây, người dân chỉ có phát nương làm rẫy. Bây giờ, họ đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của người dân đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần vào sự phát triển chung của huyện”, ông Ngọc nhấn mạnh.                
 
       BÁ SƠN
 
 
 
 

.