Thiếu nước sinh hoạt, cơ sở y tế gặp khó

08:07, 13/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nắng nóng kéo dài, nhiều đơn vị y tế cơ sở thiếu nước, hoặc nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn gây khó khăn trong hoạt động.
 
[links()]
 
Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) là xã miền núi, với hơn 1.280 nhân khẩu. Hầu hết người dân khi mắc các bệnh cần sơ cấp cứu ban đầu đều được nhân viên y tế ở Trạm Y tế xã xử lý. Trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Sơn Đinh Văn Bình cho biết, bình quân mỗi ngày, trạm khám và điều trị khoảng 10 bệnh nhân. 
 
Theo quy định, mỗi nhân viên y tế ở trạm phải thay phiên nhau trực 24/24 giờ để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, nguồn nước phục vụ hoạt động của trạm, sinh hoạt ăn uống của nhân viên không đảm bảo, do bị nhiễm phèn, nhất là khi nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước nhiễm phèn càng nghiêm trọng hơn. “Trạm đã nhiều lần kiến nghị với các cấp hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống lọc nước hoặc tìm vị trí mới để đóng giếng khoan cung cấp nguồn nước đảm bảo cho trạm hoạt động, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”, ông Bình bày tỏ.
 
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ), thiếu nước hợp vệ sinh, nên nhân viên y tế vất vả trong việc xử lý các dụng cụ y tế.
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ), thiếu nước hợp vệ sinh, nên nhân viên y tế vất vả trong việc xử lý các dụng cụ y tế.
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ), cũng rơi vào cảnh tương tự. Mặc dù bệnh xá đã được nâng cấp, sửa chữa hệ thống cấp nước, nhưng nắng nóng gay gắt khiến nguồn nước càng nhiễm phèn, nhiễm mặn. Chị Đặng Thị Minh Kết, nhân viên Bệnh xá Đặng Thùy Trâm cho hay, mỗi ngày bệnh xá khám và điều trị từ 10 - 20 bệnh nhân; trong đó có nhiều bệnh nhân phải sơ cấp cứu các vết thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động nên cần nguồn nước hợp vệ sinh. Nhưng hiện nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên bệnh xá gặp rất nhiều khó khăn.
 
Tại huyện Lý Sơn, Phòng khám Đa khoa cơ sở 2 An Bình cũng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và phục vụ việc khám và điều trị bệnh cho người dân, Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Lý Sơn phải hỗ trợ kinh phí mua nước chở từ đảo Lớn sang cung cấp cho phòng khám. Điều dưỡng trưởng Phòng khám Đa khoa cơ sở 2 An Bình Trần Thị Hà chia sẻ, bình quân mỗi nhân viên sử dụng từ 2 - 3m3 nước/tháng. Mùa nắng nóng, lượng nước sử dụng nhiều hơn, trong khi nguồn nước phục vụ ở đây chủ yếu được chở từ đảo Lớn sang, nên ảnh hưởng đến hoạt động của phòng khám.
 
Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Lý Sơn Dương Tiến Thuận cho biết, mỗi năm trung tâm chi từ 10 - 15 triệu đồng để mua nước cung cấp cho cơ sở y tế ở đảo Bé. Ngoài khó về kinh phí vì tự chủ, đơn vị còn gặp nhiều trở ngại trong việc vận chuyển nguồn nước. 
 
Theo Nghị định số 76/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các đối tượng trên được trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, với định mức mỗi người là 6m3/tháng. Chi phí mua và vận chuyển 1m3 nước ngọt, sạch đến nơi ở và nơi làm việc của đối tượng được hưởng do UBND cấp tỉnh quy định. 
 
UBND các tỉnh, thành phố xác định vùng thiếu nước ngọt và sạch theo mùa trình HĐND tỉnh quyết định thời gian hưởng và mức trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch cho phù hợp với tình hình cụ thể của những nơi thiếu nước ngọt và sạch tại địa phương. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, tại nhiều vùng thiếu nước sinh hoạt, nước sạch, các đơn vị phải tự lo. Điều này làm cho nhiều đơn vị, nhân viên y tế gặp khó trong việc hoạt động, sinh hoạt, do thiếu nguồn nước đảm bảo vệ sinh.
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 
 
 

.