Tết xa quê

10:02, 08/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong tâm thức người Việt bao đời nay, Tết mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Tết là thời điểm để những người con xa quê gác lại những bận rộn để trở về, quây quần bên mâm cơm gia đình cùng cha mẹ, người thân. Nhưng vì đại dịch Covid-19, nên năm nay không ít người đành đón Tết xa quê.
 
Lỗi hẹn với quê hương
 
Năm năm trước, bà Hồ Thị Thanh (quê ở huyện Nghĩa Hành) chuyển vào TP.Hồ Chí Minh ở cùng gia đình con trai. Mọi năm, dù gia đình các con có bận rộn đến mấy vẫn sắp xếp công việc để đưa bà về quê ăn Tết. Nhưng năm nay đã là năm thứ 2, bà cùng các con phải đón Tết nơi đất khách. Anh Lê Minh Tùng, con trai bà Thanh không giấu sự hụt hẫng bảo, mọi năm cứ đến trung tuần tháng Chạp là cả gia đình bắt đầu đếm ngày để được xách vali lên ga về quê ăn Tết. Nhưng năm nay dịch bệnh khiến công việc khó khăn, thu nhập bị ảnh hưởng nhiều, nên Tết này đành lỗi hẹn với quê hương.
 
Gia đình anh Sang lựa chọn ở lại TP.Hồ Chí Minh trong dịp Tết này. Ảnh: PV
Gia đình anh Sang lựa chọn ở lại TP.Hồ Chí Minh trong dịp Tết này. Ảnh: PV
Cùng chung nỗi niềm với bà Thanh, anh Tùng, anh Cao Nguyễn Trung Sang, quê ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), hiện đang cư trú ở quận Tân Phú (TP.Hồ Chí Minh) cũng đành lựa chọn một cái Tết xa quê. Anh Sang chia sẻ, nếu không lo sợ dịch Covid-19, thì giờ này của các năm trước là vợ chồng mình chộn rộn đi đặt vé để về quê. Còn năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, mình sẽ ở lại TP.Hồ Chí Minh  ăn Tết. Dù biết bố mẹ sẽ buồn nhưng đó cũng là cách để giữ an toàn gia đình mình và người thân ở quê.
 
Đầy đủ hương vị Tết quê nhà
 
Hơn 2 năm "sống chung" với dịch Covid-19, ai cũng hiểu sự nguy hiểm của đại dịch và giá trị của những tháng ngày trở lại trạng thái "bình thường mới". Việc đón Tết xa quê, bởi thế cũng đang dần quen đối với nhiều người. “Dịch Covid-19 xảy ra trong thời gian qua khiến tôi nhận ra rằng, việc ở lại bên con cháu mình mới là lựa chọn tốt nhất lúc này. Xa quê nhưng không có nghĩa là sẽ thiếu Tết. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ những món ăn ngày Tết như ở quê để cùng các con sum vầy trên đất khách”, bà Hồ Thị Thanh cho biết.

 

Dù không về nhà nhưng Phương My đã chuẩn bị sẵn những món ăn đậm vị quê hương để có một cái Tết ấm cúng.               Ảnh: P.V
Dù không về nhà nhưng Phương My đã chuẩn bị sẵn những món ăn đậm vị quê hương để có một cái Tết ấm cúng. Ảnh: P.V
Vợ chồng Nguyễn Thị Phương My (27 tuổi), chuyên viên Trường Đại học Văn Lang (TP.Hồ Chí Minh) cũng lên kế hoạch cho một cái Tết xa nhà ở phương Nam. “Tết này không về quê, mình cùng bạn bè đồng hương tập trung lại và tự tay nấu những món ăn quê nhà như cơm gà sốt tương ớt Quảng Ngãi cùng nồi thịt hon, củ kiệu, dưa hành... Bố mẹ cũng sẽ gửi thêm “thực phẩm nhà làm”, nên dù đón Tết xa quê nhưng vẫn đầy đủ hương vị quê nhà”, Phương My chia sẻ.
 
Công nghệ hiện đại cũng góp phần mang không khí Tết của các đại gia đình đến gần hơn thông qua những cuộc gọi video qua smart phone. “Ở lại đón Tết tại TP.Hồ Chí Minh là lần đầu tiên ăn Tết xa nhà. Em sẽ đón Tết online cùng với gia đình. Được trò chuyện, nhìn thấy bố mẹ dù chỉ là qua màn hình điện thoại sẽ giúp em vơi bớt cảm giác nhớ quê, nhớ nhà”, sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) Huỳnh Thị Thọ, quê ở làng chài Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn), tâm sự. 
 
Còn ông Huỳnh Văn Vui, bố của Thọ thì bảo, tuy rất muốn cả gia đình cùng nhau đón năm mới, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, con đã lựa chọn ở lại thì gia đình cũng ủng hộ. Nay đã có điện thoại thông minh, có thể nhìn thấy mặt con hằng ngày, như thế vẫn gần mà...
 
VŨ YẾN
 
 

.