Quê hương nghĩa khí ân tình

10:02, 07/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Có thể Quảng Ngãi quê tôi không phải vùng đất phát đế vương. Quảng Ngãi cũng không phải nơi “rừng vàng biển bạc”, ruộng đồng “thẳng cánh cò bay”. Quảng Ngãi quê tôi vẫn còn nhiều gian khó... Nhưng quê tôi, đầy nghĩa khí ân tình.
 
Quê tôi ở làng Thi Phổ Nhất. Ngày xưa được gọi là “Tiểu Đồng Nai”, ý nói đó là vùng đất trồng lúa “nhất đẳng điền”. Nhưng thử nhìn xem, đó là vùng đất lúa khá nhỏ bé, dù gọi là “tiểu” (nhỏ) đi nữa, thì cũng không xứng để ví với “Đồng Nai”.
 
Núi Ấn -  sông Trà.                       ẢNH: TL
Núi Ấn - sông Trà. ẢNH: Nguyễn Đăng Lâm
Dù học trò quê tôi học hành chăm chỉ, vượt khó từng ngày, thì Quảng Ngãi cũng không phải là “đất học” đứng hàng “tốp 5, tốp 10” cả nước. Hồi xưa, ở Quảng Ngãi lưu truyền câu ca dao: “Tiếc công Bình Định xây thành/ Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa”. Tôi có mang chuyện này hỏi nhà Hán - Nôm Vũ Ngọc Liễn, cụ Liễn đưa cho tôi xem danh sách những thủ khoa qua các kỳ thi ở trường thi Bình Định, thì hóa ra, thí sinh Bình Định đậu thủ khoa đông hơn Quảng Ngãi rất nhiều.
 
Quảng Ngãi quê tôi dĩ nhiên không phải tỉnh giàu, dù thời chống Pháp đã tự túc được lương thực, đồng thời góp được lương thực cho chiến trường Tây Nguyên nuôi quân đánh thắng giặc. 
 
Vậy thì quê tôi có gì nổi bật, người dân Quảng Ngãi có gì đáng yêu, đáng quý?
 
Quảng Ngãi quê tôi có vẻ đẹp mộc mạc, chân thành. Người Quảng Ngãi tuy “ăn cục nói hòn” nhưng lòng trong dạ thẳng, dẫu nghèo khó vẫn biết sẻ chia, trong gian nguy vẫn đứng sát bên nhau, thủy chung. Quảng Ngãi có nhiều người nghèo phải vào Sài Gòn kiếm sống, làm đủ nghề để kiếm miếng cơm, nhưng luôn làm việc có mục đích. Ấy là dành dụm từng đồng tiền lẻ gửi về quê nuôi cha mẹ già, nuôi con ăn học, gom góp để sau nhiều năm có thể xây cất một ngôi nhà chống chọi với bão lũ miền Trung. Đức tiết kiệm của người nghèo Quảng Ngãi đã nổi tiếng trong cả nước.
 
Ngày nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn sống, có lần ông nói với tôi: “Mày ơi, dân nghèo quê mày vô Sài Gòn làm đủ nghề nhưng không làm nghề gì phạm danh dự gia đình, bán đủ món ăn rẻ tiền cho người Sài Gòn nhưng chưa bao giờ biết lừa lọc ai. Với lại, những người bán mì gõ, đạp xích lô mà vẫn nuôi được con ăn học qua đại học luôn, tao phục”. Khi nghe một nhà văn lớn quê Nam Bộ nói về người dân quê mình như thế, tôi muốn rơi nước mắt. Rồi tôi nói thêm với anh Nguyễn Quang Sáng: “Dân nghèo quê tôi vào Sài Gòn kiếm sống đông lắm anh à. Họ thuê chung nhau những nhà trọ chật hẹp, nhiều khi hàng chục người ở cùng một phòng trọ, nhưng họ biết đùm bọc nhau lắm anh”.
 
Kể từ ngày nói chuyện về người dân quê mình với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi đã âm thầm chuẩn bị những gì cần thiết để có thể viết một tác phẩm về người dân Quảng Ngãi quê tôi. Tới năm 2012, “Trường ca chân đất” của tôi viết dâng quê hương mình đã được in: “Mì gõ thâu đêm Sài Gòn hoa lệ/ trứng cút thâu đêm Sài Gòn mưa xé/ bánh xèo thâu đêm liu riu ngọn lửa/ xích lô thâu đêm từng vòng cô đơn” (Trường ca chân đất).
 
Ngay trong năm đó, tác phẩm này đã nhận được 2 giải A giành cho văn học, và một giải B (không có giải A) giành cho âm nhạc, khi nhạc sĩ Văn Phượng viết một hợp xướng nhan đề “Chân sóng” mà phần lời lấy nguyên một chương trong trường ca này của tôi. Tới năm 2014 thì “Trường ca chân đất” nhận giải thưởng ASEAN về văn học. Tôi đã làm được một điều nhỏ nhoi trang trải ân tình với quê hương mình, với những người dân nghèo Quảng Ngãi của mình. Bây giờ thì tôi hiểu, Quảng Ngãi quê tôi còn nghèo, nhưng người dân Quảng Ngãi lại rất giàu. Đó là giàu ân tình, giàu nhân nghĩa.
 
Nhớ ngày xưa, khi tả quân Lê Văn Duyệt (quê gốc ở Mộ Đức nhưng sinh ở Tiền Giang) làm Tổng trấn Gia Định thành, ông đã hết mình lo cho dân Sài Gòn - Gia Định được an cư lạc nghiệp. Và ông sẵn sàng đối đầu với những kẻ tham nhũng, hành hạ dân. Công đức ấy của ông đã được người dân Sài Gòn - Gia Định ghi nhớ qua rất nhiều thế hệ. Lăng Ông - Bà Chiểu đã nghi ngút khói hương từ đời này sang đời khác. Đó là “Người tiên phong đưa Sài Gòn mở cửa” mà người dân Sài Gòn - Gia Định khắc cốt ghi tâm công đức. Ai thực sự có công với dân, có ân tình với dân đều được dân tri ân, ghi nhớ.
 
Thời chiến tranh, Quảng Ngãi quê tôi đã có bao nhiêu vị tướng lĩnh tài ba, bao nhiêu anh hùng lẫm liệt. Người Quảng Ngãi rất giàu chí khí, rất biết cách đóng góp hiệu quả nhất cho đất nước mình. Còn nhớ, ngay trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những lời tư vấn tha thiết của Tướng Phạm Kiệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhằm thay đổi chiến thuật, từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra, đã được Võ Đại tướng chấp thuận, và chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng tháng 5 năm 1954. Cái Trí và cái Khí của người Quảng Ngãi là ở đó.
 
Và 21 năm sau, buổi trưa ngày 30/4/1975, ngay tại Dinh Độc Lập, khi ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng vừa được cắm lên nóc Dinh, Tướng Trần Văn Trà - Tổng Chỉ huy quân giải phóng đã nói trực tiếp với Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh: “Trong cuộc chiến tranh này, người Việt Nam không có ai thắng ai thua. Kẻ thua là Mỹ. Tất cả người Việt Nam chúng ta đều thắng”.  Vâng, Tướng Trà, người nói câu ấy, có quê bên dòng sông Trà của Quảng Ngãi. Cái Nhân và cái Nghĩa của người Quảng Ngãi là ở đó.
 
“Quê hương biết mấy thân yêu/ Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau /Mặt người vất vả in sâu/” (thơ Nguyễn Đình Thi). Vâng, quê hương chúng ta là như thế, luôn biết tìm những lý do để tồn tại khi nghèo khó và biết tìm những động lực để vươn lên khi có cơ hội.
 
Lý do để tồn tại là tình yêu quê hương, đất nước; còn động lực để vươn lên chính là văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại luôn nói về văn hóa, và ông nói rất sâu sắc, rất tha thiết về văn hóa qua mỗi bài viết.  
 
Trong gian nan mới thấu lòng người Quảng Ngãi. Câu chuyện “Có ai tên Quảng Ngãi”, trong đợt bà con ở một số tỉnh bắc miền Trung từ Sài Gòn về quê vì đại dịch, khi chạy xe máy ngang qua Quảng Ngãi đã được người Quảng Ngãi giúp đỡ rất tận tình, câu chuyện ấy đã làm cả nước xúc động. Khi vợ chồng người thai phụ sắp sinh con được người dân Quảng Ngãi giúp đỡ, họ đã xin cho họ lấy tên “Quảng Ngãi” đặt cho đứa con được Quảng Ngãi cưu mang này. Rồi sẽ thêm một hạt giống Quảng Ngãi nữa nảy mầm trên vùng đất núi rừng miền tây Thanh Hóa, và đó là niềm tự hào của tất cả người Quảng Ngãi dù họ đang sống ở đâu.
 
Văn hóa là ở đó. Và ân tình cũng từ đó lan tỏa. Tôi yêu thương và tự hào về quê hương Quảng Ngãi của mình.
 
THANH THẢO
 
 
 

.