Những bông hoa kiên cường

03:05, 04/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- "Chúng tôi may mắn sống đến bây giờ, còn nhiều đồng đội đã hy sinh. Vì vậy, chúng tôi càng phải sống có ích, xứng đáng là cây cao bóng cả cho con cháu noi theo".

Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Hạnh (68 tuổi) ở thôn Cù Và, xã Tịnh Giang và bà Nguyễn Thị Xuân (70 tuổi) ở thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), hai trong số rất nhiều nữ cựu chiến binh luôn cống hiến hết mình vì quê hương, đất nước.

Bom rơi, mưa đạn vẫn không lùi

Năm 1968, bà Nguyễn Thị Hạnh đã tham gia vào đội du kích xã, dù lúc bấy giờ mới 18 tuổi. Đến năm 1969, bà được cử lên nằm vùng ở doanh trại địch đóng quân ở huyện Sơn Hà với vai trò là đầu bếp. Bọn địch không có chút mảy may nghi ngờ, nên bà âm thầm làm việc và liên lạc với cách mạng. Sau 7 tháng nằm vùng, bà nhận lệnh của cấp trên, phải đặt mìn tiêu diệt địch. Bà Hạnh nhớ lại: "Đêm đó, tôi làm gà nấu cháo cho bọn cảnh sát nhậu. Nhân cơ hội đó, tôi cố ý làm rơi vài đồng tiền xu chạy xuống giường của phó ty cảnh sát rồi nhanh chóng ném vỏ thuốc salim bên trong có chứa sẵn chất nổ dưới gầm giường. Vụ đó làm cho ông phó ty chết tại chỗ và nhiều tên lính bị thương".

Ngoài thời gian tham gia phong trào địa phương, bà Nguyễn Thị Hạnh, ở thôn Cù Và, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) còn phụ con nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài thời gian tham gia phong trào địa phương, bà Nguyễn Thị Hạnh, ở thôn Cù Và, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) còn phụ con nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình.


Sau khi thực hiện vụ đó, địch nghi ngờ, năm 1970, bà Hạnh về lại quê Tịnh Giang tiếp tục chiến đấu, sau đó giữ chức xã đội phó. Dù ở vị trí nào bà cũng luôn quả cảm, gan dạ chiến đấu hết mình. Đối với bà Hạnh ký ức về chiến tranh là những trận bom đạn dữ dội của địch làm cho không biết bao nhiêu người dân, quân ta hy sinh.

Bà Nguyễn Thị Xuân cũng vậy. Thời thiếu nữ bà Xuân cũng nổi tiếng khắp vùng bởi sự quả cảm của mình. Không trận đánh nào của quê hương lại vắng mặt bà. Năm 1964, bà tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi. Nhờ sự nhanh nhẹn và có chút am hiểu về y học, năm 1965, bà được cử đi học ngành y, để phục vụ y tế ở xã. Đến năm 1966, bà Xuân đi bộ đội nhập ngũ phụ trách y tế ở Sư đoàn 3 Sao Vàng tại Bình Định- Quảng Ngãi.

"Bom đạn rơi không ngừng. Cái chết luôn cận kề trong gan tấc, nhưng lúc đó không ai biết sợ chết là gì, chỉ biết chiến đấu hết mình vì ngày mai độc lập", bà Xuân bồi hồi nhớ lại. Cũng tại chiến trường này, bà se duyên cùng với người chồng hiện tại là ông Huỳnh Xuân Đi (77 tuổi) quê ở huyện Phù Mỹ (Bình Định). Nhắc đến chuyện tình của ông bà, đôi mắt bà Xuân trở nên long lanh, quên hẳn đi sự tàn khốc của chiến tranh. Bà Xuân chia sẻ: "Thời đó, yêu nhau không dám để lộ. Nhưng khi chúng tôi cùng đồng cam cộng khổ, động viên nhau vượt qua bom đạn, cấp trên đã hiểu và cho phép cho chúng tôi kết duyên vợ chồng. Đó là vào năm 1972, giây phút đó đến giờ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí tôi".

Trách nhiệm với thời bình

Hòa bình lập lại, các cô lại trở về cuộc sống đời thường làm những người nông dân chân chất; hăng hái, nhiệt tình trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Bà Nguyễn Thị Hạnh tham gia công tác phụ nữ xã. Thời điểm này, xã Tịnh Giang vô cùng khó khăn, bà không quản ngày đêm cùng các chị em trong hội tích cực vận động bà con lao động sản xuất, chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng lòng cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương.

Còn cựu chiến binh Nguyễn Thị Xuân thì bồi hồi nhớ lại giai đoạn khó khăn lúc đất nước vừa thống nhất. Bà Xuân kể: Tất cả các tổ chức đoàn thể bà đều tham gia từ hội nông dân, hội phụ nữ, y tế thôn... Bà dành hầu hết thời gian cho các phong trào của địa phương, được chị em phụ nữ tin tưởng bầu làm Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Đến năm 2005, bà nghỉ hưu và chuyển sang tham gia Hội CCB xã.

Với bà Xuân và bà Hạnh, dù tuổi cao nhưng hành trình cống hiến của họ vẫn chưa dừng lại. "Nhiệm vụ" trước mắt là thúc đẩy các phong trào của Hội CCB để chung tay xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
 


.