(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua, không khí tan thương bao trùm cả làng biển Bình Châu (Bình Sơn). Bởi lẽ, cuối tháng 11.2014, đã xảy ra liên tiếp những vụ tai nạn biển khiến 3 người tử nạn. Họ là những thanh niên trai tráng, là trụ cột của gia đình. Sự ra đi của họ là nỗi buồn, sự mất mát to lớn của người thân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gian nguy nghề lặn biển
Hành nghề lặn biển hơn 10 năm, anh Nguyễn Thành Lan (30 tuổi), ở thôn Phú Quý (Bình Châu) cùng 14 người bạn lên tàu vào cuối tháng 10, ra vùng biển Trường Sa để tìm kiếm những sản vật. Thuyền đến Trường Sa được một ngày, anh Lan cùng những người bạn bắt đầu cuộc hành trình lặn biển như bao chuyến ra khơi khác. Hải sâm - thứ sản vật quý hiếm của biển, mà dân lặn luôn tìm kiếm, thường chỉ nằm ở độ sâu 40-60m. Sau khi ngụp lặn nơi đáy biển tầm 3-4 lần, được 6 con hải sâm, anh Lan lên thuyền với khuôn mặt tái nhợt. Ông Tiêu Viết Lành - chủ tàu của anh Lan, đau buồn nói: “Có thể là do thay đổi áp suất nước đột ngột nên cơ thể Lan không chịu được”. Quay trở về ngay sau khi anh Lan mất nhưng đến hơn nửa tháng, thuyền mới cập cảng Sa Kỳ. Ngày 25.11. anh Lan được an táng tại quê nhà.
![]() |
Người thân thắp hương tưởng nhớ anh Nguyễn Thành Lan- người vừa tử vong trong chuyến lặn biển ở Trường Sa. |
Cũng ra đi kế cận ngày mất của anh Lan, anh Đặng Công Danh (26 tuổi, tỉnh Khánh Hòa), thuyền viên của tàu cá do ông Tiêu Viết Nhung ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu làm chủ cũng tử nạn vì mưu sinh nơi đáy biển. Dù là làng biển có "binh đoàn thợ lặn" với hơn 200 ngư dân đánh bắt thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng người dân Bình Châu không khỏi xót xa vì sự ra đi liên tiếp của những “đồng nghiệp” của mình.
Mỗi chuyến ra khơi, những người thợ lặn được trang bị “đồ hành nghề” thô sơ như kính lặn, 150m dây hơi, chân vịt, vợt lưới. Mỗi tàu thường có từ 8 đến 10 người thợ lặn, thay phiên nhau “truy lùng” sản vật. Họ không được trang bị những thiết bị lặn đúng tiêu chuẩn. Không có những bộ chỉnh áp và thở oxy dưới nước cùng các thiết bị khác. Trong khi đó, việc điều chỉnh áp suất là vô cùng quan trọng. Hầu hết những vụ tai nạn biển của thợ lặn đều do việc mất cân bằng áp suất. Hơn nữa, thợ lặn không được huấn luyện đúng kỹ thuật mà lặn theo kiểu kinh nghiệm cha truyền con nối. Do vậy, họ không tôn trọng quy tắc về thời gian lặn, độ sâu khi lặn, kỹ thuật nghỉ trong quá trình lặn... Nhiều khi, bị cuốn theo những sản vật mà quên đi tính mạng của mình.
Đằng sau những nỗi đau…
Đã một tuần trôi qua từ ngày đưa thi thể các anh về, thế nhưng nỗi đau mất người thân của những người mẹ, người vợ và những đứa con thơ không sao diễn tả hết. Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Tin (26 tuổi), thôn Phú Quý, xã Bình Châu, vợ của anh Nguyễn Thành Lan. Đứng trước di ảnh của chồng, chị Tin, nước mắt lăn dài: “Ảnh hứa chuyến đi biển này về, sẽ mua cho con gái lớn (4 tuổi) chiếc xe đạp mini để chở em chạy lòng vòng quanh sân. Thế mà…”. Câu nói bỏ lửng của chị khiến ai cũng đau lòng. Lấy nhau chưa được 5 năm, anh Lan ra đi, để lại người vợ trẻ cùng 2 đứa con thơ nhỏ dại. Còn người mẹ già từ ngày đứa con trai mất, bà cũng đổ bệnh theo và cơ thể ngày càng suy nhược.
Chúng tôi men theo con đường dốc cao đầy đá để tìm đến nhà chị Võ Thị Bạch, mẹ của em Phạm Văn Cường (17 tuổi) ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu cũng là nạn nhân vừa mất trong đợt tai nạn tàu vừa rồi ở Lý Sơn. Chỉ trong một gian phòng nhỏ, nhưng có đến hai di ảnh thờ hai người đàn ông trụ cột trong gia đình. Nỗi đau quá lớn khiến chị Bạch không thể khóc được nữa, những giọt nước mắt như chảy ngược vào trong. Ngồi lặng bên bàn thờ con trai, chị nói trong tiếng nấc: “Đau quá mấy cô chú ơi, cháu còn nhỏ quá. Gia đình đã không cho đi biển, nhưng vì thương mẹ, muốn lo cho hai đứa em nhỏ ăn học nên thành ra thế này đây…”. Cách đây 12 năm, chồng chị cũng bị tai nạn dẫn đến mất mạng khi đang hụp lặn, kiếm hải sâm ở vùng biển Trường Sa. Lúc chồng mất, con trai lớn của chị là Cường, chỉ mới 6 tuổi. Hai người đàn ông trụ cột của gia đình lần lượt ra đi, bỏ lại những người phụ nữ “chân yếu tay mềm”. Cuộc sống đã vất vả nay càng rơi vào cảnh bế tắc hơn khi kinh tế gia đình không còn ai gánh vác, lo toan.
Ông Lê Văn Nguyên - Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu bày tỏ: “Hầu hết các gia đình có người mất trong đợt đi biển vừa rồi đều rất nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, họ cũng là trụ cột, gánh vác hết kinh tế của gia đình. Giờ không may mất đi, để lại nỗi đau, gánh nặng cho người thân. Ngân sách địa phương vẫn còn hạn hẹp nên rất mong các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm quan tâm và giúp đỡ để gia đình họ có thể nguôi ngoai và vượt qua nỗi đau này”.
Bài, ảnh: H.THU- Đ.DIỆU