Nghề lặn ốc xà cừ trên đảo Lý Sơn

10:03, 06/03/2012
.

(QNĐT)- Chỉ với một thuyền máy công suất nhỏ, có gắn hệ thống nén khí và vài chục mét dây hơi, mỗi ngày, sáng đi tối về một thợ lặn chuyên nghiệp nếu lao động cật lực cũng khai thác được từ 40 đến 50 kg ốc xà cừ, trừ các khoản chi phí thì một thợ lặn cũng có thu nhập trên dưới một triệu đồng/ngày.

TIN LIÊN QUAN

 
Trời chưa sáng tỏ, màn sương mù còn giăng kín mặt biển nhưng ngư dân Đặng Phú (41 tuổi) ở thôn Đông, xã An Hải đã cùng đứa con trai lớn 17 tuổi của mình hối hả nổ máy, nhổ neo con tàu nhỏ có công suất máy 8 CV của mình ra khơi để chuẩn bị cho ngày lao động mới.

Tàu của Cha con ông Đặng Phú cập bờ sau một ngày lao động vất vả .
Tàu của Cha con ông Đặng Phú cập bờ sau một ngày lao động vất vả .


Với mạnh tay sào đẩy con tàu nhỏ rời bến, ông Phú cho biết: Theo nghề này chẳng cần tàu to máy lớn, thiết bị, ngư cụ hiện đại như đi khơi, nhưng người theo nghề phải chịu khó và điều cốt yếu là phải có sức khỏe tốt để lặn lội cả ngày dưới biển sâu.

Ông Phú cho biết: Đây là năm thứ 5 cha con ông hành nghề này. Lúc mới hành nghề do loại ốc này sinh sống nhiều quanh các gành san hô ven đảo, thủy triều nước cạn chỉ cần chiếc gương lặn cùng cây vợt, vài giờ đồng hồ hì hụp dưới nước là đã bắt được cả mấy chục ốc.

Tuy nhiên vài năm trở lại đây do khai thác quá mức nên nguồn ốc xà cừ sống ven đảo đã cạn kiệt. Để tiếp tục theo nghề, ông phải đầu tư trên 15 triệu đồng để mua lại một chiếc tàu cá công suất nhỏ với một máy nén khí và hệ thống dây hơi, mỗi ngày hai cha con thay phiên lặn lội ở độ sâu trên dưới 10 mét mới khai thác được trên dưới 1 tạ ốc xà cừ còn vỏ, đó là chưa kể các loại ốc như tai tượng, ốc đụn, ốc bàn tay... Trừ các khoản chi phí, trung bình thu nhập của hai cha con cũng còn trên dưới 1,5 triệu đồng. Làm nghề này chẳng giàu có gì, nhưng cũng đủ mua gạo đắp đổi qua ngày.

Còn ngư dân Nguyễn Lý (47 tuổi), ở thôn Tây, xã An Vĩnh, người có thâm niên trên 15 năm hành nghề đánh bắt xa bờ, nhưng vài năm nay đã theo nghề lặn ốc xà cừ cho biết: Nghề này hoạt động quanh năm, vốn đầu tư ít nhưng cho thu nhập cao không thua kém gì nghề đánh bắt xa bờ. Vả lại thợ lặn ít gặp rủi ro so với nghề lặn hải sâm, bởi nghề này chỉ lặn ở độ sâu trên dưới 10 mét nước.

Hiện nay, nguồn ốc xà cừ sống ven bờ đã cạn kiệt, nguồn cung không đủ cầu, do đó muốn có thu nhập cao thì phải chuyển đổi cách thức khai thác từ lặn bộ, chuyển sang lặn hơi. Ốc xà cừ sinh sản quanh năm, nhất là vào mùa nước lạnh, biển động.

 Ốc xà cừ một món đặc sản được ưa chuộng.
Ốc xà cừ - một món đặc sản được ưa chuộng.


Là nghề tự phát, vốn đầu tư ít nhưng cho thu nhập khá cao, nên thu hút khá đông ngư dân tham gia. Hiện nay toàn huyện có hàng chục tàu cá có công suất nhỏ và vài chục thuyền thúng với hàng trăm ngư dân đang theo nghề này. Mỗi ngày có hàng tấn ốc xà cừ và các loại ốc khác được ngư dân khai thác và được các nhà hàng đặt mua.  Phần lớn số ốc khai thác được tiêu thụ tại địa phương, số còn lại được sơ chế lấy ruột để chuyển vào đất liền tiêu thụ.


                                                                   Văn Mịnh
 


.