Nghề lặn đêm ở Gành Cả

02:09, 01/09/2012
.

(QNg)- Những ngư dân làm nghề lặn đêm ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) không chỉ thuộc nằm lòng đường đi nước bước vùng ngư trường truyền thống, mà họ còn biết khá rõ độ nông sâu của từng vùng biển và những rạn san hô ở tận đáy biển.
 

TIN LIÊN QUAN


Thu về tiền tỷ

Đến con dốc đầu xóm Gành Cả nhìn về phía biển, hiện ra trước mắt tôi là những căn nhà kiên cố hai, ba tầng khang trang nằm chen chúc nhau như một thành phố thu nhỏ. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu Nguyễn Thanh Hùng bảo: "Nhờ nghề lặn đêm ngư dân thu về tiền tỷ nên mới làm được nhà cao cửa rộng như vậy đấy. Cả xã có khoảng 80 tàu cá làm nghề lặn, trong đó xóm Gành Cả có khoảng 50 chiếc với trên 700 lao động làm nghề lặn đêm. Ngoài tạo việc làm và thu nhập cao cho ngư dân địa phương, nghề lặn đêm ở đây còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ngoài tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa với thu nhập khá cao".

Ngư dân Nguyễn  Văn Trung - người có thâm niên trên 15 năm làm nghề lặn đêm ở Gành Cả phấn khởi kề về công việc của mình.       Ảnh: P.D
Ngư dân Nguyễn Văn Trung - người có thâm niên trên 15 năm làm nghề lặn đêm ở Gành Cả phấn khởi kề về công việc của mình. Ảnh: P.D


Ngư dân Nguyễn Văn Trung (37 tuổi), một thợ lặn có thâm niên làm nghề trên 15 năm bảo: "Nghề của chúng tôi là đi dạo săn cá, hải sâm dưới "thủy cung" vào ban đêm. Ngày ngủ, đêm làm. Bắt đầu từ 19 giờ đêm đến 4 giờ sáng hôm sau. Ban đêm, khi các loài cá, hải sâm ẩn mình trong các rạn san hô ngủ say, thợ lặn mang đèn pin rọi và cầm dùi sắt đâm chúng bỏ vào túi mang theo trên lưng. Nghề này tuy hiểm nguy, vất vả nhưng được cái thu nhập cao nên anh em ham làm. Nếu suôn sẻ, một tàu mỗi năm đi được 6 phiên biển sẽ thu về khoảng 3 tỷ đồng, trừ chi phí khoảng 900 triệu đồng, còn lãi trên 2 tỷ đồng".

Được biết, mỗi tàu làm nghề lặn đêm có từ 12-15 người (tùy thuộc vào vùng biển gần-xa), trong đó có một người chuyên lo hậu cần (nấu ăn) và một tài công, còn lại là thợ lặn. Mỗi chuyến biển, tiền thu về đem chia 4-6 (chủ tàu 4 phần, thuyền viên 6 phần), bình quân mỗi thợ lặn thu nhập trên 15 triệu đồng/chuyến, thậm chí có chuyến biển mỗi thợ lặn thu về trên 20 triệu đồng.

Rủi ro chực chờ vẫn bám biển

Ngư dân Bùi Ngọc Lượng (còn gọi là Hai Lượng) là một trong những thợ lặn cừ khôi ở Gành Cả. Mặc dù bị cụt một chân trong thời gian đi bộ đội tình nguyện ở Campuchia (thương binh 3/4) và năm nay đã ngoại ngũ tuần (55 tuổi), nhưng Hai Lượng vẫn còn đi lặn. Trong năm 2011, trong khi lặn đêm anh Lượng bị liệt 2 chân, phải mất 2 tháng trời chạy chữa mới bớt bệnh, dù vậy hiện nay anh vẫn bám trụ với nghề, thường xuyên có mặt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Anh Lượng tâm sự:  Dù gặp nạn nhiều lần nhưng không thợ lặn nào bỏ biển, trừ các trường hợp bệnh quá nặng không thể đi biển được nữa. Người ta nói sinh nghề, tử nghiệp là vậy". Hiện 2 người con của anh (con ruột là Bùi Quốc và con rể là Huỳnh Tuấn) cũng theo nghề này.

Bên cạnh rủi ro về thương tật, nghề lặn đêm với đặc thù phải thường xuyên hoạt động ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, thậm chí xa hơn (như hợp đồng sang tận Malaysia hành nghề) nên rủi ro về thiên tai, nhân tai trên biển cũng thường xuyên xảy ra. Cũng chính vì lý do đó mà cái khó của các tàu hành nghề lặn đêm hiện nay là tìm thợ lặn. Một cái khó nữa là theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa), thì nghề lặn không được xếp vào các nghề được hỗ trợ. Đây cũng là một thiệt thòi đối với ngư dân ở Gành Cả.


Thảo Vinh

 


.