Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng xã Đức Phong (8.2.1964 - 8.2.2014):
Đổi thay ở xã Thành đồng

07:02, 08/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Về Đức Phong trong những ngày đầu Xuân mới, dường như ai cũng cảm nhận được không khí rộn ràng, nhộn nhịp được nhân lên gấp bội. Đi trên những con đường bê tông phẳng phiu; những đồng ruộng xanh tươi, bát ngát; những gương mặt rạng rỡ nụ cười tươi, những ngôi nhà cao tầng được xây mới…càng tô thắm thêm cho công cuộc xây dựng quê hương sau 50 năm giải phóng ở xã bãi ngang ven biển này.

Theo chân đoàn cựu chiến binh xã, chúng tôi vào thăm nhà truyền thống. Đây là nơi trưng bày hình ảnh, tư liệu của quân và dân xã Đức Phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào cho thế hệ trẻ mai sau. Cũng ngày này cách đây tròn 50 năm, với sự hỗ trợ của Đại đội 608, Đại đội 19, quân và dân xã Đức Phong đồng loạt nổi dậy đánh phá nhiều ấp chiến lược của địch, giải phóng toàn xã.

Ngày 8.2.1964 đã đi vào lịch sử đấu tranh giữ nước của nhân dân Mộ Đức nói chung và xã Đức Phong nói riêng như một mốc son chói lọi. Từ chiến công vang dội này, Đức Phong được biểu dương là ngọn cờ đầu biến ấp chiến lược thành làng chiến đấu với mật danh “xã 82 thành đồng” tiêu biểu của Quảng Ngãi, tạo bàn đạp cho phong trào cách mạng trong huyện, giải phóng vùng đông huyện Mộ Đức sau này.

 

Đoàn cựu chiến binh xã tham quan nhà truyền thống.
Đoàn cựu chiến binh xã tham quan nhà truyền thống.


Sau ngày giải phóng, xã tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”của đế quốc Mỹ. Trong suốt 21 năm kháng chiến, quân và dân xã Đức Phong đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 4.700 tên địch, bắn cháy và tiêu hủy trên 55 xe quân sự, bắn rơi 9 máy bay HU1A, tịch thu trên 500 khẩu súng các loại. Với những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân xã Đức Phong được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Thành Đồng (1.2.1967); Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (6.11.1978); Huân chương giải phóng hạng Nhất. Toàn xã có 3 cá nhân được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 139 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gần 670 thương bệnh binh và hơn 1.300 gia đình có bằng Tổ quốc ghi công.

Đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng bộ và nhân dân xã Đức Phong tiếp tục phấn đấu đưa quê hương thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đức Phong giành được thành quả mới, nhất là những năm sau tái lập tỉnh đã vươn lên mạnh mẽ, kinh tế- xã hội có chuyển biến vượt bậc. Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế.  

 

 Đường vào trung tâm xã.
Đường vào trung tâm xã.


Đồng chí Phạm Thanh Bình - Bí thư Đảng ủy xã Đức Phong cho biết: Với tinh thần kiên trì vượt khó, Đảng bộ xã tập trung cao nhất cho lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, coi đây là mặt trận hàng đầu. Đây là lĩnh vực có sự chuyển biến sâu sắc và toàn diện cả về chất và lượng, vừa mang tính tiền để vừa có vai trò nền tảng quan trọng để đảm bảo cuộc sống ở nông thôn càng khởi sắc cho đến ngày hôm nay. Nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản cũng là nguồn thu nhập lớn. Trong những năm gần đây giá trị sản lượng hải sản tăng nhanh đáng kể, là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương với mô hình nuôi tôm bằng vật liệu chống thấm trên cát hơn 43,5ha, góp phần rất lớn trong việc giải quyết nguồn lực lao động dôi thừa, phát huy sự năng động sáng tạo của người nông dân trong thời kỳ mới.

Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng đáng kể qua từng năm. Sản xuất TTCN và dịch vụ tuy chưa phát triển mạnh, song những năm gần đây đã có sự chuyển biến rõ nét với việc đầu tư xây dựng 2 chợ Lâm Thượng và Văn Hà với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng và quy hoạch tụ điểm kinh tế Quán Hồng. Nhờ đó, ngành nghề dịch vụ từng bước được phát triển.

Đi đôi với sản xuất, xã đặc biệt chú ý đến xây dựng cơ sở hạ tầng, coi đây là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Nhiều công trình thiết thực đã được đầu tư xây dựng  như công trình điện được mở rộng toàn xã đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế; các tuyến giao thông được bê tông và nhựa hóa gần 34 km; 6 trường học từ mầm non đến THCS được kiên cố hóa.

Đường nông thôn ở xã Đức Phong.
Đường nông thôn ở xã Đức Phong.


Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, xã đã đạt 10/19 tiêu chí. Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được coi trọng, sự nghiệp giáo dục đã phát triển đáng kể. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” thường xuyên được chú trọng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân Việt Nam đối với sự hy sinh của cha ông đi trước. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng mối đoàn kết trong nội bộ Đảng được chú trọng, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ được quan tâm đúng mức. Thành quả sau 50 năm quê hương được giải phóng là nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân xã quyết tâm, ra sức lao động, học tập bằng những phong trào hành động thiết thực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ 24 của Đảng bộ xã và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 26 (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đề ra.

Những ai xa quê trở lại đều nhận thấy một Đức Phong  luôn tràn đầy sức sống mãnh liệt ở vùng đất anh hùng. Không còn bóng dáng của nghèo đói xưa kia, thay vào đó là vùng quê đổi mới, đang vững bước đi lên với những người dân cần cù, chất phác, chịu thương chịu khó, làm giàu cho gia đình và cho quê hương. 50 năm đầy tự hào và đây cũng chính là sức mạnh đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với “xã 82” bất khuất, kiên trung, quê hương Anh hùng đầu tiên của huyện Mộ Đức.


Bài, ảnh: Thanh Thuận
 


.