Sau 21 năm từ Hiến pháp năm 1992, đất nước ta có Hiến pháp sửa đổi mới, Hiến pháp của thời kỳ hội nhập, thời kỳ đổi mới.
Sáng ngày 28/11/2013, tuyệt đại đa số Đại biểu Quốc hội khóa XIII (97,59%) đã ấn nút thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (SĐHP) năm 1992 để trở thành Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam sửa đổi. Như vậy sau 21 năm từ Hiến pháp năm 1992, đất nước ta có Hiến pháp sửa đổi mới, Hiến pháp của thời kỳ hội nhập, của thời kỳ đổi mới. Hiến pháp của một đất nước ngày càng phát triển, dân chủ, văn minh.
Đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ảnh: TTXVN. |
Nhìn lại quá trình soạn thảo, lấy ý kiến, tiếp thu chỉnh lý, Hiến pháp sửa đổi có những điểm mới sau:
Thứ nhất, với tư cách là “người trong cuộc” Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nêu bật những cái mới của dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là: có 11 chương 120 điều, so với Hiến pháp năm 1992 thì giảm 27 điều, dự thảo chỉ giữ nguyên 7 điều, bổ sung 12 điều mới và sửa đổi lên đến 101 điều. Trong đó có sự sắp xếp các chương, như chương 11 về Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca, thủ đô nhập vào chương 1. Về chế độ chính trị ở chương 5 trong Hiến pháp hiện hành, về quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân được đưa lên vị trí chương 2 với tên gọi mới là quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân; có 1 chương hoàn toàn mới là chương 10, quy định về các thiết chế hiến định độc lập.
Về nội dung, ngay từ lời nói đầu được sửa đổi theo hướng khái quát, cô đọng, súc tích và ngắn gọn chỉ bằng 1/3 so với Lời nói đầu của Hiến pháp hiện hành. Thứ hai, về chủ quyền nhân dân thì được thể hiện rõ và nhất quán trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, làm nổi bật vai trò của nhân dân, là chủ thể cao nhất, duy nhất của quyền lực nhà nước. Thứ ba, thể chế hóa, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, bảo đảm xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Điểm mới thứ 4 là nội dung kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường được thể hiện theo hướng ngắn gọn rõ ràng và mang tính nguyên tắc, bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp; nội dung này trước đây là 2 chương, ở chương 2 và chương 3, bây giờ được nhập lại thành chương mới là chương 3. Điểm mới thứ 5, là việc dành hẳn 1 chương về thiết chế hiến định độc lập, có 2 điều, tại chương 10 quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia và kiểm toán nhà nước.
Thứ hai, cái mới của Hiến pháp từ góc độ các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH): 498 ĐBQH được cử tri cả nước ủy quyền, đại diện cho ý nguyện của nhân dân đã dành tâm huyết, trí tuệ và thời gian thảo luận ở tổ, ở hội trường; đã trăn trở, tranh luận, phân tích, bàn thảo một cách kỹ lưỡng, thận trọng, khoa học; đã góp ý, tham gia từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nhiều đại biểu còn giữ nguyên từ bản dự thảo đầu tiên cho đến bản dự thảo sửa đổi cuối cùng để đối chiếu, so sánh về sự tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Có đại biểu rất phấn khởi vì ý kiến của mình được tiếp thu, chỉnh sửa câu, chữ trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp... Qua đó cho thấy các ĐBQH đã hiểu rất rõ vai trò, trọng trách của mình trước cử tri, trước đất nước.
Cái mới của các ĐBQH tại kỳ họp này còn ở chỗ, không chỉ nhận thấy vai trò, trọng trách của mình trước một sự kiện có tính chất lịch sử mà còn nhận thức rất rõ ý nghĩa, nội hàm, nội dung từng chương, từng điều của Hiến pháp. Các ĐBQH đã có thời gian, không gian để thẩm thấu, để hiểu và nhận thấy trách nhiệm, vinh dự, tự hào, hạnh phúc vì được trực tiếp tham gia, góp ý, trao đổi; được trực tiếp tham gia quyết định Hiến pháp sửa đổi lần này bằng việc ấn nút thông qua vào thời khắc quan trọng. Trọng trách ấy, vinh dự ấy là sự kết tinh về ý chí, nguyện vọng của cử tri được đặt lên vai các ĐBQH; đồng thời cũng là đòi hỏi khách quan tất yếu trong thời kỳ mới của cách mạng nước ta.
Thứ ba, cái mới của Hiến pháp từ góc độ nhân dân và cử tri cả nước: Hiến pháp đầu tiên ra đời năm 1946, sau đó là các Hiến pháp 1959, 1980, 1992. Mỗi bản Hiến pháp đều có vai trò, sứ mệnh lịch sử riêng của nó. Tuy nhiên, không phải cán bộ hay cử tri nào cũng có điều kiện, thời gian để theo dõi và hiểu biết sâu sắc, đầy đủ về Hiến pháp; thậm chí có những cán bộ, cử tri xem Hiến pháp là của ai đó cao xa, không phải là của mình. Nhưng lần này, qua gần một năm với hàng chục triệu ý kiến, hàng nghìn hội nghị, hội thảo của các tầng lớp xã hội, mới thấy rằng nhân dân, cử tri, các nhà khoa học, quản lý... rất quan tâm, đóng góp trí tuệ vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tuy còn một bộ phận, một số người thuộc các tầng lớp nhân dân và ngay cả một số ĐBQH của chúng ta còn có những ý kiến khác nhau nhưng tuyệt đại bộ phận nhân dân và Quốc hội đã đồng tình cao với sửa đổi Hiến pháp lần này.
Cái mới và cũng là cái được lớn nhất của Hiến pháp sửa đổi đó là nhân dân và cử tri cả nước đã coi Hiến pháp là của chính mình; Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản có tầm ảnh hưởng để định hướng và điều chỉnh các hoạt động của đất nước, của xã hội, thông qua các luật và các văn bản dưới luật; đây là bản Hiến pháp đổi mới cho thời kỳ tiếp tục đổi mới của đất nước chúng ta. Hiến pháp sửa đổi lần này thực sự đã thể hiện sự kế thừa các Hiến pháp trước, thể hiện đầy đủ ý chí, tinh hoa, nguyện vọng của đồng bào, cử tri của cả nước và phát triển ở một tầm vóc mới; thực sự là Hiến pháp của dân, do dân và vì dân./.
Theo Nhà báo Nguyễn Đăng Tiến
Tổng Giám đốc Đài TNVN