Cách mạng 4.0 ở Sơn Hà

07:05, 13/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi xin mượn thuật ngữ đang hot hiện nay là 4.0 để nói về việc áp dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở huyện vùng cao Sơn Hà. Người tiên phong trong việc áp dụng công nghệ ấy vào đời sống của người dân là Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long.

TIN LIÊN QUAN


Vốn là nhà báo, anh Long rẽ sang một lối khác, không dính dáng gì đến tin bài, song có lẽ những năm tháng học trong trường đào tạo phát thanh truyền hình đã giúp cho anh nhanh nhạy trong việc nắm bắt công nghệ. Lập facebook cá nhân để chia sẻ thông tin, phát biểu chính kiến hoặc đơn giản chỉ tải ảnh selfie cho vui thì  nhiều người đã làm. Tuy nhiên, lập facebook để hướng dẫn cho người dân cách trồng các loại cây, chăm sóc các loại vật nuôi sao cho năng suất cao, cho sạch nhất thì tôi tin rằng ở Quảng Ngãi chỉ có anh Long.

Sơn Hà là huyện vùng cao, người Hrê chiếm số đông, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thông qua nhiều chương trình, trong đó có Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên huyện Sơn Hà, người dân đã thay đổi một cách căn cơ để tiếp cận cái mới trong sản xuất. Lấy ví dụ như trái ớt xiêm (ớt tép) mọc hoang ngoài rừng lâu nay, giờ đã thành hàng hiếm của huyện vùng cao này, do đồng bào đã được hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch và muối chua trái ớt. Hoặc như loại gà được dân thành phố gọi là “gà đi bộ”, giờ cũng được “quy hoạch” lại, nuôi một cách bài bản và khoa học hơn. Giống heo của đồng bào cũng được đưa vào chăn nuôi “nề nếp”, không thả rông như trước đây nữa. Đối với các loại rau rừng cũng vậy, nó không còn là thứ mọc hoang, gặp đâu hái đó như trước, mà đã được bàn tay của con người chăm chút hằng ngày.

Tất cả những mặt hàng rau và thịt kể trên đều có “bản đồ chỉ dẫn”, nghĩa là trái ớt, con gà đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông qua hệ thống mạng quản lý, chứ không nói khơi khơi. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều mặt hàng thực phẩm của đồng bào đã bước chân vào các siêu thị tầm cỡ ở các thành phố lớn và được người tiêu dùng đón nhận vì tin tưởng vào “lai lịch” của nó.

Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên huyện Sơn Hà đã lập hẳn một trang web để quản lý và hướng dẫn cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi và chăm sóc theo một phương pháp khoa học, an toàn cho người tiêu dùng. Thanh niên người Hrê giờ có người đã sở hữu những chiếc smartphone, chỉ cần truy cập vào trang web này là họ có cả một kho thông tin liên quan đến việc làm ăn. Từ việc bày vẽ cách làm ăn cho người dân đến việc thông báo các công trình sẽ đầu tư ở đâu, tất cả đều được minh bạch hóa thông tin trên trang web này.

Vào mạng không phải để “chém gió”, mà vào đó để tìm kiếm thông tin, phục vụ cho cuộc sống của mình. Cách mạng 4.0 là đây chứ đâu nữa! Tôi nghĩ, Sơn Hà vừa được Chính phủ công nhận thoát nghèo, một phần cũng nhờ vào cuộc cách mạng 4.0 này.

TRẦN ĐĂNG
 


.