Thưởng Tết

09:02, 03/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bây giờ đang là lúc các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp thưởng Tết cho cán bộ, nhân viên và công nhân trong đơn vị mình sau một năm làm việc vất vả. Tin từ Sở LĐ-TB&XH cho hay, trong số 125 đơn vị gửi báo cáo về, có những doanh nghiệp, mức thưởng cao nhất lên đến 120 triệu đồng/người, ngược lại cũng có đơn vị, mức thưởng chỉ 50.000 đồng/người.

Hiện nay, mấy bà nội trợ xách giỏ ra khỏi nhà để đi chợ cho cả nhà ăn trong ngày, hẳn sẽ không thể bọc trong túi 50.000 đồng vì sẽ không thể nào giải được bài toán mua thức ăn cho 4 khẩu phần trong hai bữa trưa và tối. Vậy thì những nhân viên, công nhân nhận 50.000 đồng thưởng Tết năm nay, họ sẽ tiêu như thế nào trong những ngày Tết với số tiền ấy đây?

Câu chuyện thưởng Tết luôn làm đau đầu các nhà quản lý và các ông chủ doanh nghiệp mỗi dịp cuối năm. Dĩ nhiên, ai cũng muốn thưởng cho công nhân, nhân viên của mình thật nhiều.

Nhưng tiền thưởng là kết quả của công sức, trí tuệ sau một năm lao động chứ không phải muốn thưởng bao nhiêu cũng được. Hễ làm giỏi, năng suất cao, hiệu quả lao động tốt thì thưởng nhiều, bằng không thì ngược lại. Điều đó ai cũng có thể nói được, biết được, vì đã thành quy luật nhưng công tâm mà xét thì người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp của anh mà chỉ nhận thưởng có 50.000đ thì lỗi này chắc chắn không hoàn toàn thuộc về họ mà là thuộc về những người lãnh đạo, các ông chủ của họ.

Nếu các ông chủ ấy nhận “lương khủng” mà nhân viên của họ nhận thưởng quá hẻo như vậy thì lỗi lại càng lớn hơn. Luật chơi của cơ chế thị trường không cho phép các ông giám đốc không chịu động não trước sự cạnh tranh khốc liệt của những sản phẩm cùng loại. Vì vậy, đối với các doanh nghiệp, tiền thưởng cuối năm là thước đo chính xác nhất về năng lực quản lý của ban lãnh đạo doanh nghiệp đó. Cách đây không lâu, có doanh nghiệp còn “thưởng” cho công nhân của mình bằng chính sản phẩm bán không được, hoặc “trả lương” bằng những sản phẩm ấy nữa. Đó quả là “sáng kiến” rất khó để người lao động có thể chấp nhận và chia sẻ khó khăn với những ông chủ của mình.

Đó là nói về những doanh nghiệp, còn đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp thì sao? Cũng cùng hưởng lương sự nghiệp, nhưng mức thưởng ở mỗi cơ quan lại khác nhau. Âu đó cũng là “cái tài” của người quản lý vậy. Tuy nhiên, mức “thưởng Tết” cho các thầy giáo, cô giáo là vô cùng “tượng trưng”. Trường nào tiết kiệm chi triệt để thì giáo viên còn được vài ba trăm ngàn tiêu Tết, trường nào “vung tay quá trán”, coi như giáo viên ở đó chỉ nhận nửa cân hạt dưa là cùng.

Thưởng Tết là câu chuyện dài kỳ, năm nào cũng được đem lên bàn nghị sự của các cơ quan, đơn vị để “mổ xẻ” tìm nguyên nhân trong các kỳ hội nghị công nhân viên chức. Tuy nhiên, mức chênh lệch về tiền thưởng bao giờ cũng là một khoảng cách khó lấp đầy giữa các đơn vị.
 
Trần Đăng

 

.