(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, huyện Sơn Tây đã đẩy mạnh việc xây dựng các kế hoạch, tập trung thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), bám sát với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương. Qua đó, tạo được chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, công dân khi làm các thủ tục hành chính (TTHC).
Việc tập trung nâng cao chất lượng CCHC của huyện Sơn Tây, đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Giảm thủ tục, thời gian giải quyết
Tại bộ phận một cửa của UBND huyện Sơn Tây, các quy định về thủ tục, hồ sơ, trình tự, thời gian, lệ phí... đều được niêm yết công khai. Tổ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của huyện đã từng bước đổi mới, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, được đầu tư trang thiết bị công nghệ, đáp ứng tốt nhu cầu giải quyết công việc của người dân.
|
Bộ phận một cửa của UBND huyện Sơn Tây tiếp nhận thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân. |
Anh Trần Văn Hưng, ở thôn Huy Em, xã Sơn Mùa đến nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho biết, trước đây, khi làm các TTHC, tôi thấy rất phức tạp, phải qua nhiều khâu và tốn nhiều thời gian. Từ ngày có bộ phận một cửa của UBND huyện, công việc được giải quyết nhanh gọn, cán bộ trả hồ sơ trước ngày hẹn, nên tôi rất hài lòng.
“Xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, huyện Sơn Tây đã tập trung xây dựng, đẩy mạnh việc thực hiện các kế hoạch CCHC bám sát với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương. Song, với đặc thù huyện miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, huyện mong UBND tỉnh, ngành chức năng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí cho công tác CCHC, nhất là cấp cơ sở. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, để công tác CCHC đạt được những kết quả tốt hơn”.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây
NGUYỄN NGỌC TRÂN
|
Để mang lại sự hài lòng cho người dân trong việc giải quyết TTHC, hằng năm, UBND huyện Sơn Tây đều ban hành các kế hoạch CCHC và cụ thể hóa những kế hoạch, chương trình hành động mang tính chuyên ngành, lĩnh vực để thực hiện sâu sát hơn. Huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện các kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, việc sử dụng phần mềm iOffice - VNPT và phần mềm một cửa điện tử tại các cơ quan, đơn vị, UBND các xã trên địa bàn huyện.
Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Sơn Tây đã ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử phạt hành chính và kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành. Để nâng cao chỉ số CCHC, UBND huyện Sơn Tây cũng đã ban hành kế hoạch tuyên truyền CCHC, giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó là, khuyến khích, nhân rộng việc áp dụng các mô hình sáng kiến trong CCHC. Nhờ vậy, đã có những sáng kiến kinh nghiệm của các cá nhân, tập thể đóng góp rất quan trọng trong việc nâng cao chỉ số, thứ hạng CCHC của huyện.
Hằng năm, việc thông báo tiếp nhận phản ánh và kiến nghị về quy định hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ một cửa cấp huyện, cấp xã trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng quy định. Qua rà soát, đánh giá, việc công khai tiến độ, kết quả giải quyết TTHC được diễn ra kịp thời, đảm bảo nội dung và thời gian yêu cầu. Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Sơn Tây đã tiếp nhận khoảng 670 hồ sơ, nhiều nhất thuộc lĩnh vực đất đai. Tất cả hồ sơ đều được giải quyết kịp thời, đúng hạn, chưa có đơn thư, phản ánh kiến nghị của các tổ chức, cá nhân, đơn vị đối với kết quả giải quyết TTHC.
Để công tác CCHC đi vào thực chất, mang lại hiệu quả, hằng năm, UBND huyện Sơn Tây đều ban hành kế hoạch về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn huyện. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra văn bản tại các xã. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan chuyên môn của huyện đã ban hành 2 văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra, xử lý 9 văn bản theo thẩm quyền.
Hiện nay, trang thông tin điện tử của UBND huyện Sơn Tây thường xuyên đăng tải, cập nhật các thông tin pháp luật, thông tin của ngành, địa phương. Đặc biệt là các quy định, thủ tục hành chính và đối thoại giữa người dân với chính quyền.
“Mở rộng” về cấp xã
Nhằm góp phần hiện đại hóa nền hành chính địa phương, đẩy nhanh tiến độ giao dịch, tiết kiệm ngân sách, UBND huyện Sơn Tây cũng đã chỉ đạo các xã sử dụng nghiêm túc phần mềm một cửa điện tử. Toàn huyện có 9/9 xã có bộ phận một cửa và hoạt động hiệu quả. Đến nay, 100% UBND các xã đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành iOffice- VNPT và chữ ký số; 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện thực hiện trao đổi văn bản dưới dạng văn bản điện tử, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt 100%.
|
Công chức Văn phòng UBND xã Sơn Mùa (Sơn Tây) ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. |
Việc kiểm tra văn bản do HĐND, UBND các xã ban hành được thực hiện thường xuyên, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; 100% cơ quan, đơn vị, UBND cấp xã đều xây dựng, áp dụng duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Bên cạnh đó, trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ, UBND các xã đã vận dụng hiệu quả công nghệ thông tin thông qua các ứng dụng Zalo, Facebook... góp phần truyền tải thông tin, xử lý vấn đề được nhanh chóng.
Ngoài ra, UBND các xã cũng thường xuyên kiện toàn lại việc phân công cán bộ về kiểm soát TTHC ở địa phương. Nhờ đó đã phối hợp thực hiện hiệu quả hoạt động kiểm soát TTHC từ tỉnh, huyện đến cơ sở, đóng góp tích cực vào hoạt động kiểm soát TTHC ở địa phương. “Việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử không chỉ tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết TTHC, mà công việc của những người làm công tác văn phòng cũng được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng hơn. Khi có văn bản đi, đến, thì công chức chỉ cần thao tác xử lý trên máy tính, hạn chế được tình trạng mất kiểm soát, trễ hẹn giải quyết hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân”, anh Đinh Văn Quỳnh, công chức Văn phòng UBND xã Sơn Mùa, cho hay.
Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân, trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện sẽ tiếp tục rà soát, ban hành các văn bản, kế hoạch CCHC. Đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác CCHC, việc giải quyết thủ tục của các phòng, ban, UBND các xã. Từ đó, đưa ra những giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng CCHC trên địa bàn, phục vụ người dân, doanh nghiệp và góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bài, ảnh:
MỸ DUYÊN