(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Sơn Hà đã sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Hỗ trợ phát triển sản xuất
Thôn Xà Ây, xã Sơn Cao (Sơn Hà) có 226 hộ, với 899 nhân khẩu. Đa số người dân trong thôn là dân tộc Hrê, số hộ nghèo còn cao (91 hộ) nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đơn cử như gia đình anh Đinh Văn Kiếp thuộc diện hộ nghèo, nguồn thu nhập chính của gia đình anh chủ yếu dựa vào 1ha keo và sào lúa nước. Tuy nhiên, cây keo trồng ở khu vực khá xa, chi phí vận chuyển lớn, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, cái nghèo vẫn đeo bám gia đình anh. Năm 2023, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (Dự án 3, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp) được triển khai ở xã Sơn Cao. Nhờ đó, gia đình anh Kiếp đã được bình xét tham gia vào tổ chăn nuôi gà với 10 thành viên. Tổ chăn nuôi gà được hỗ trợ 2.800 con gà (0,5kg/con) và thức ăn để chăn nuôi theo mô hình tập trung.
Thành viên của Tổ chăn nuôi gà thôn Xà Ây, xã Sơn Cao (Sơn Hà) chăm sóc đàn gà được hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. |
Anh Đinh Văn Kiếp tâm sự, gia đình tôi cũng như một số hộ nghèo ở đây có đất vườn rộng, thuận lợi phát triển chăn nuôi nhưng không có vốn để đầu tư. Bây giờ được Nhà nước hỗ trợ con giống, tôi và các thành viên trong tổ rất vui. Hiện nay, đàn gà chúng tôi nuôi đang phát triển rất tốt, khoảng 1 tháng nữa là có thể bán được nhưng chúng tôi sẽ nuôi đến Tết để bán được giá cao hơn. Tôi thấy chăn nuôi gà rất phù hợp với điều kiện ở đây. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi cũng sẽ lấy lợi nhuận từ lứa gà sắp xuất bán tới đây để đầu tư mở rộng chăn nuôi.
Không chỉ anh Kiếp, nhiều hộ nghèo khác trong thôn cũng được hỗ trợ gà giống và thức ăn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhóm hộ chăn nuôi cùng góp tiền mua bạt, lưới khoanh vùng chăn nuôi. Anh Đinh Văn Tý, tổ trưởng tổ nuôi gà thôn Xà Ây chia sẻ, dưới sự hướng dẫn của xã, nhóm hộ chăn nuôi đã bầu tôi làm tổ trưởng để điều hành, phân công nhiệm vụ chăm sóc gà cho các thành viên. Công việc chăm sóc gà hằng ngày đều được chấm công và ghi vào nhật ký. Đến khi xuất bán gà, sau khi trừ chi phí chăn nuôi, lợi nhuận thu về sẽ được trả công cho từng thành viên, ai có công chăm sóc nhiều sẽ được trả nhiều, số còn lại sẽ chia đều cho tất cả mọi người.
Theo lãnh đạo UBND xã Sơn Cao, trước khi thực hiện dự án hỗ trợ theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã đã yêu cầu các thôn tiến hành họp dân để xét chọn đối tượng. Sau khi chốt danh sách số hộ được hỗ trợ thì tiến hành họp dân lấy ý kiến về nhu cầu của người dân muốn hỗ trợ cây, con giống gì. Đa số người dân có nhu cầu chăn nuôi gà, một số hộ có nhu cầu chăn nuôi heo. Trên cơ sở đó, toàn xã thành lập được 7 tổ chăn nuôi, trong đó có 6 tổ chăn nuôi gà và 1 tổ chăn nuôi heo. Việc chăn nuôi được tổ chức theo hình thức tập trung và chính quyền địa phương thường xuyên giám sát, kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cao Trần Văn Chung cho biết, dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ kéo dài trong 3 năm, nhằm trợ lực, hướng dẫn người dân biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Mục đích của việc triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi tập trung theo nhóm hộ là nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người nuôi và giúp chính quyền địa phương thuận lợi kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Đa dạng hóa sinh kế
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Lãnh, thôn Làng Lành, xã Sơn Hải thuộc diện hộ nghèo. Năm 2014, được hỗ trợ bò giống, nguồn vốn vay ưu đãi, kỹ thuật chăn nuôi, gia đình anh Lãnh đã mạnh dạn xây dựng chuồng trại, chăn nuôi 1 con bò cái sinh sản và chục con heo thịt. Tận dụng nguồn cỏ tự nhiên trong khu vực Nhà máy mì Sơn Hải, anh Lãnh đã giảm được chi phí đầu tư thức ăn cho vật nuôi. Nhờ chịu khó chăm sóc, đàn bò của anh Lãnh đã ngày một sinh sôi, nảy nở. Nhận thấy chăn nuôi gia súc đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Lãnh mở rộng thêm chuồng trại, phát triển đàn bò lên hơn chục con. Đồng thời, đầu tư chăn nuôi heo thịt lên 30 con/lứa. Sau nhiều năm tích góp, năm 2020, gia đình anh đã thoát nghèo và xây dựng được ngôi nhà khang trang.
Nhờ phát triển chăn nuôi gia súc, gia đình anh Nguyễn Văn Lãnh, thôn Làng Lành, xã Sơn Hải (Sơn Hà) đã vươn lên thoát nghèo. |
Nhiều hộ dân ở xã Sơn Hải đã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá nhờ chăn nuôi bò. |
Anh Lãnh chia sẻ, tôi nuôi bò sinh sản giống bản địa phù hợp với điều kiện nuôi tại địa phương. Tôi vừa bán 7 con bò thu về gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, trung bình mỗi năm xuất 3 lứa heo cũng kiếm lãi được vài chục triệu đồng. Cũng nhờ chăn nuôi bò, heo mà gia đình mới có số tiền tích lũy lớn để làm nhà, cho con cái ăn học.
Với diện tích đất đai rộng lớn, xã Sơn Hải có lợi thế để phát triển đàn bò, heo. Tuy nhiên, những năm qua, kinh phí để mua bò giống khá lớn, người dân không có điều kiện để đầu tư. Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, UBND xã Sơn Hải đã hoàn tất các thủ tục, tiến hành hỗ trợ con giống theo dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Qua đó, nhiều hộ nghèo trên địa bàn đã được trao “cần câu” để phát triển kinh tế.
Chủ tịch UBND xã Sơn Hải Sang Thị Minh Ngọc cho hay, năm 2022, xã Sơn Hải được UBND huyện phân bổ hơn 300 triệu đồng để thực hiện dự án 3. Năm 2023, xã được phân bổ 461 triệu đồng thực hiện dự án 2. Chính quyền địa phương đã tiến hành rà soát, bình xét đối tượng thụ hưởng theo đúng quy trình, đúng đối tượng. Trên cơ sở nhu cầu của người dân, xã đã hỗ trợ 2.000 con gà cho 10 hộ (200 con/hộ); 60 con heo kiềng sắt cho 15 hộ (4 con/hộ) và 17 con bò cái vàng cho 16 hộ (riêng nhóm trưởng được 2 con). “Do địa hình chia cắt, dân số phân tán nên trước mắt người dân được hỗ trợ con giống vẫn chăn nuôi theo phương thức phân tán. Trong thời gian tới, địa phương sẽ vận động bà con chăm sóc, nhân rộng phát triển đàn gia súc, tạo nguồn sinh kế bền vững. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền người dân chăn nuôi theo phương thức tập trung, nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế”, bà Ngọc thông tin thêm.
Giảm nghèo bền vững
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Hà, trong năm 2022 và năm 2023, thực hiện dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án 1 (dự án 3) về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã bố trí hơn 6,7 tỷ đồng hỗ trợ con giống cho người dân. Trong đó, địa phương đã hỗ trợ giống bò, heo, gà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở các xã trên địa bàn huyện.
Để thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Sơn Hà đẩy mạnh tuyên truyền để hộ nghèo nhận thức về chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về giảm nghèo; phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng; phê phán các hiện tượng tiêu cực, không muốn thoát nghèo. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thực hiện tốt vai trò cầu nối, vận động, kêu gọi doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch của các hộ nghèo. Mỗi cán bộ, đảng viên đồng hành cùng hộ nghèo để vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp giảm nghèo.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: