(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, một bộ phận giới trẻ có biểu hiện chạy đua với lối sống hưởng thụ, trong khi việc làm, thu nhập chưa ổn định. Lối sống này sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Dạo quanh các trung tâm thương mại, hay các tụ điểm vui chơi giải trí trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, những người có mặt đa phần là giới trẻ. Nhiều bạn đang ở độ tuổi đến trường đã sở hữu những chiếc điện thoại đắt tiền, chi mạnh tay vào các món đồ hàng hiệu, chọn những hàng quán “sang chảnh” để thỏa đam mê chụp ảnh “sống ảo”. Trong khi ở lứa tuổi này, lẽ ra phần lớn thời gian dành cho việc học tập và các hoạt động vui chơi phù hợp.
Khi được hỏi về những đồ dùng mà mình đang có, em N.T.T.T (16 tuổi), ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) không ngần ngại khoe, em được ba mẹ sắm cho chiếc điện thoại thông minh đời mới và đều đặn hằng tháng, cho em tiền để mua sắm quần áo, chi tiêu cá nhân. Dù hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, nhưng ba mẹ không muốn em thua thiệt bạn bè. Em nghĩ điện thoại, hay quần áo, giày dép thời trang hiện nay đều là những thứ cần thiết, giúp em không bị tụt hậu với cuộc sống, có thể hòa nhập, tự tin hơn với bạn bè.
Sẵn sàng sắm sửa những đồ dùng, thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ cho việc học tập và nhu cầu cá nhân của các con, nhưng chị H.T.P, ở xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) lại cảm thấy lo lắng. Chị H.T.P cho biết, vợ chồng tôi chắt chiu để mua sắm cho con những đồ dùng tốt nhất, không để con cảm thấy thua kém bạn bè và phần nào tạo động lực để con nỗ lực học tập. Thế nhưng dần dần, các con quen với lối sống hưởng thụ, thường xuyên vòi vĩnh những chiếc điện thoại, những mặt hàng thời trang... để bắt kịp trào lưu, mà chểnh mảng việc học hành, khiến tôi rất buồn.
Nhiều lần dự định tiết kiệm một phần thu nhập hằng tháng để dùng vào những việc cần thiết trong tương lai, nhưng chị T.T.L, ở xã Đức Lân (Mộ Đức) chưa thể thực hiện. Cứ mỗi lần tiết kiệm được một khoản, chị T.T.L lại sử dụng khoản tiền này để chi vào những bộ sưu tập quần áo mới ra mắt, hoặc những chuyến du lịch bất thình lình cùng bạn bè. Những lần chi tiêu như vậy, chị T.T.L tự nhủ chính mình rằng, đời người chỉ có một lần, nên hãy cứ sống hưởng thụ theo sở thích của mình. “Sau khi mua được những món đồ yêu thích, tôi thường đau đầu với suy nghĩ sẽ phải chi tiêu thế nào cho khoảng thời gian sắp tới. Tôi nhận thấy mình chưa thể cân bằng giữa thói quen mua sắm và việc tiết kiệm cho tương lai", chị T.T.L chia sẻ.
SỐNG CÓ MỤC TIÊU, HOÀI BÃO
Anh Trần Văn Sang, ở tổ dân phố Đông Quang, phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) cho hay, tôi từng rơi vào ranh giới giữa 2 xu hướng tâm lý đối nghịch, đó là “chỉ sống một lần trong đời” và “tiết kiệm khi có thể”. Nhưng rồi, nhờ xác định được mục tiêu, ý nghĩa cuộc sống mà mình hướng đến, tôi đã nỗ lực lao động ở Nhật Bản trong suốt nhiều năm. Giờ đây, tôi đã hoàn thành mục tiêu xây dựng một ngôi nhà kiên cố cho cha mẹ và đang có những bước tiến trên hành trình khởi nghiệp ngay trên quê hương. Tôi nghĩ, giới trẻ bây giờ cần loại bỏ lối sống hưởng thụ để tương lai có cuộc sống tốt đẹp hơn. |
Còn với chị Nguyễn Thị Minh Hạnh, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) luôn có cách để tận hưởng giá trị cuộc sống, mà tích góp được tiền để thực hiện những mục tiêu dài hạn cho tương lai. Chị luôn cân bằng trong cuộc sống và chi tiêu trong tầm kiểm soát. “Tôi không lấy việc sở hữu những món đồ đắt tiền làm thước đo hạnh phúc. Tôi có thể không có được chiếc điện thoại tốt nhất, ngôi nhà được trang hoàng đầy đủ tiện nghi nhất, nhưng ngược lại tôi luôn cảm nhận được niềm vui và sự thoải mái trong cuộc sống. Khi không đặt nặng lối sống hưởng thụ, tôi sẽ tích lũy được một số tiền để thực hiện các dự định trong tương lai", chị Hạnh bày tỏ.
ANH THƯ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: