(Báo Quảng Ngãi)- Thực thi Luật Trồng trọt (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Theo đó, doanh nghiệp (DN) muốn sản xuất, kinh doanh (SXKD) bất cứ giống, sản phẩm cây trồng nào cũng phải khảo nghiệm và được cấp quyết định lưu hành đối với giống cây trồng đó.
Bộ NN&PTNT cũng ấn định thời hạn là đến ngày 22/4/2023, nếu giống, sản phẩm cây trồng nào chưa có quyết định lưu hành, DN sẽ không được phép sản xuất và cung ứng giống tiêu thụ trên thị trường. Điều này khiến nhiều DN đang SXKD giống, đặc biệt là những giống thuộc nhóm “không được bảo hộ nằm trong danh mục được phép SXKD”, như các giống lúa Xi23, Khang dân, Ải 32, ĐV108... gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể tổ chức SXKD.
Theo phản ánh của các DN SXKD giống, sản phẩm cây trồng, Luật Trồng trọt quy định những giống nói trên phải được gia hạn quyết định công nhận lưu hành, thì mới được phép tổ chức SXKD và cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, phần vì các cơ quan chức năng chưa làm rõ chủ thể của các giống được gia hạn lưu hành; quyền hạn của đơn vị được ủy quyền đứng ra làm gia hạn lưu hành, phần do chúng tôi cũng không biết những giống ấy đã có DN nào đăng ký gia hạn lưu hành hay chưa? Hơn nữa, quá trình nghiên cứu, chọn lọc các dòng giống, sản phẩm cây trồng được các DN thực hiện liên tục, từ nhiều vụ. Vậy nên hiện giờ, các giống “không được bảo hộ nằm trong danh mục được phép SXKD” như Khang dân, ĐV108 đang trong quá trình sản xuất nhưng không được bán ra thị trường, làm ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN, cũng như nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, một số nội dung của Luật Trồng trọt mâu thuẫn với Luật Sở hữu trí tuệ, khiến thị trường giống, sản phẩm cây trồng đối diện nguy cơ “vàng thau lẫn lộn”. Theo Luật Trồng trọt, giống đã được tổ chức, cá nhân gia hạn quyết định lưu hành (cả giống được bảo hộ và giống không được bảo hộ) thì chỉ họ có quyền SXKD, hoặc ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân khác SXKD. “Nếu như vậy thì giống không được bảo hộ cũng có quyền như giống được bảo hộ! Đây là điều bất cập, cần sửa đổi", đại diện một DN SXKD giống bày tỏ.
Ngoài ra, quy trình khảo kiểm nghiệm đối với giống, sản phẩm cây trồng cũng bộc lộ những khó khăn và bất cập. Giám đốc Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng miền Trung Trần Văn Mạnh cho biết, một số giống cây trồng như chuối, lúa, mì cần phải thực hiện quy trình khảo nghiệm cấp quốc gia. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa ban hành tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện, dẫn đến nhiều giống có tiềm năng nhưng phải... đợi thủ tục, còn người dân thì mỏi mòn đợi giống! Chẳng hạn như giống mì HN3 có khả năng kháng bệnh khảm lá vi rút, được Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, chọn tạo. Giống HN3 được kỳ vọng là giải pháp khống chế dịch bệnh khảm lá vi rút đang bùng phát và gây hại trên 8.600ha mì ở các địa phương trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, vì chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan nên hom giống mì HN3 không được phép lưu hành (trừ khu vực Đông Nam Bộ), khiến rất nhiều diện tích trồng mì của tỉnh rơi vào cảnh “khát” hom giống sạch bệnh.
Trước những vướng mắc, rào cản trên, các DN SXKD giống mong các cơ quan chuyên môn kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét điều chỉnh, nhất là với những giống, sản phẩm cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác và được người dân các địa phương trong tỉnh ưa chuộng, thị trường tiêu thụ ổn định.
THANH PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: