Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

06:52, 29/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Mục tiêu đề ra là tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp (DN), người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất kết quả tăng trưởng kinh tế, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 đã đề ra.

Có 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 105, gồm: Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, DN nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của DN, người dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.

Đối với Quảng Ngãi, phát huy thành quả đạt được của năm 2022, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho DN, người dân, nhằm phục hồi nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung xử lý khó khăn, vướng mắc cho DN, dự án đầu tư, người dân. Điển hình là việc lãnh đạo UBND tỉnh liên tục tổ chức các cuộc họp, làm việc, kiểm tra thực tế và kết luận, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư bất động sản trên địa bàn tỉnh. Hay việc hỗ trợ các DN, nhà đầu tư có dự án đầu tư liên quan đến sản xuất, kinh doanh dăm gỗ, các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu; thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản...

Một trong những khó khăn, trở ngại lớn đối với DN, người dân hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thấy rõ điều đó, tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng và bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ. Triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, DN. Khẩn trương đề xuất gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ DN ngành sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản và các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp các lĩnh vực cần thiết khác.

PHẠM DANH
 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 06:52, 29/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.