(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 9/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại Tổ 9.
|
||
Tổ 9 gồm 26 đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre.
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, quản lý đất trồng lúa phải nghiêm ngặt, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúc sang loại đất khác khi thật sự cần thiết, thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, an ninh, quốc phòng, để thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Vì khi có sự cố lớn, tình hình khẩn cấp thì nông nghiệp là bệ đỡ, ổn định đời sống nhân dân. Do đó, ngoài các quy định trong dự thảo luật, đề nghị bổ sung quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, nhưng không được cho thuê hoặc cho thuê lại, đây cũng là giải pháp đảm bảo đất trồng lúc được sử dụng đúng mục đích.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương tán thành quy định đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa vào sử dụng 12 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không đưa đất vào sử dụng mà không thực hiện (tại Khoản 8, Điều 77). Tuy nhiên, đề nghị quy định cụ thể như thế nào là không đưa đất váo sử dụng, vì hiện nay nhà đầu tư thường có chiêu trò đối phó, đến gần hết thời hạn thì triển khai làm cái gì đó rồi để đó, rồi xin gia hạn để kéo dài thời gian, không đưa đất vào sử dụng, lãnh phí.
|
||
Góp ý dự thảo luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, dự thảo luật hiện có quy định duy nhất tại Khoản 3, Điều 45 liên quan đến người nước ngoài. Theo đó, trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định.
Bên cạnh đó, Điều 5 dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cũng không quy định người nước ngoài là “người sử dụng đất”. Tuy nhiên, Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014 (hiện nay được giữ nguyên tại Điều 10 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5) quy định người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
|
||
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài mâu thuẫn với quy định tại Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014 (Điều 10 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)). Bên cạnh đó, quyền sở hữu nhà ở thường gắn liền với quyền sử dụng đất. Vấn đề này cũng được khẳng định ở Khoản 1, Điều 19 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) về một trong những trách nhiệm của bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng là “làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và hồ sơ có liên quan theo thỏa thuận trong hợp đồng cho bên mua, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng.”.
Như vậy, mua bán nhà ở phải gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nếu người nước ngoài chỉ có quyền mua bán nhà ở mà không có quyền sử dụng đất thì các quy định tại khoản 1 Điều 19 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sẽ không có tính khả thi.
|
||
Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh, Khoản 3, Điều 113 có quy định: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ Phát triển đất”.
Qua thực tế kết quả giám sát tình hình, hiệu quả hoạt động một số quỹ tài chính ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh (trong đó có Quỹ Phát triển đất) cho thấy, việc xem xét, quyết định bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Phát triển đất từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương là cần thiết. Tuy nhiên đề nghị cân nhắc không quy định con số cụ thể (bao nhiêu phần trăm) mà nên căn cứ vào năng lực quản lý, điều hành, hiệu quả hoạt động Quỹ để xem xét quyết định mức bố trí phù hợp, khắc phục tình trạng nguồn vốn Quỹ nhàn rỗi lớn, gửi ngân hàng thương mại thu lãi hàng năm.
Đồng thời bổ sung nội dung: “Phân bổ nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương để thực hiện công tác đo đạc, chỉnh lý, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai…”, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương có nguồn lực thực hiện công tác rà soát, lập cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn, tạo thuận lợi trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là khi xảy ra tranh chấp.
Về quy mô dự án để giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 126 quy định: “Dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 5 ha trở lên tại khu vực đô thị”. Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị sửa đổi như sau: “Dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10ha trở lên tại khu vực nông thôn; 5ha trở lên tại khu vực đô thị thuộc khu vực đồng bằng và 2ha trở lên tại khu vực đô thị thuộc khu vực miền núi có địa bàn ưu đãi đầu tư”.
Lý do là, thực tế đất thuộc các thị trấn của các huyện miền núi hầu hết là điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; về quy mô quỹ đất tập trung có diện tích 5ha trở lên là khó tìm được vị trí; khó tìm kiếm nhà đầu tư. Do đó, để tạo thuận lợi cho các địa phương kêu gọi đầu tư có nguồn vốn ngoài ngân sách về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại để phát triển khu vực miền núi là cần thiết, cần xem xét bổ sung thêm 2 ha trở lên tại khu vực đô thị thuộc khu vực miền núi có địa bàn ưu đãi đầu tư như trường hợp nêu trên cho phù hợp với thực tế.
Đ.C.HIỀN - H.ANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: