Đáp án tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 

14:03, 09/06/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Dưới đây là đáp án tham khảo môn Ngữ văn, môn thi đầu tiên của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2023 - 2024.
 
Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 của Quảng Ngãi như sau:
 

Báo Quảng Ngãi xin giới thiệu đáp án tham khảo môn Ngữ văn do thầy Huỳnh Ngọc Mỹ, Tổ phó Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP.Quảng Ngãi) thực hiện:

ĐÁP ÁN THAM KHẢO ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN NGỮ VĂN
NĂM HỌC 2023 - 2024

 

  1. ĐỌC HIỂU (mức điểm tối đa: 3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: phương thức nghị luận/nghị luận.

           Câu 2. Theo tác giả, một người nào đó nếu “tỏ ra hèn kém hoặc nghi ngại ngay trong chính suy nghĩ và quyết định của mình thì sớm muộn gì” người đó “cũng sẽ thất bại”.

            Câu 3. Đoạn trích nêu ở đề bài cũng đã mở ra vấn đề để mỗi người chúng ta cần lý giải thêm cho thấu đáo: “Có trách nhiệm trong những việc mình làm là điều rất cần thiết”. Theo em, đây là một luận điểm hoàn toàn đúng đắn! Bởi lẽ, những việc mình làm không chỉ có tác động và ảnh hưởng đối với bản thân mà còn đối với cộng đồng xã hội. Hơn nữa, một khi mình ý thức được trách nhiệm của mình trong công việc thì mình sẽ quyết tâm cố gắng để hoàn thành. Ngoài ra, khi sống một cách có trách nhiệm, chúng ta sẽ chủ động hơn trong công việc và tự tin để phát triển bản thân. Điều này cũng thể hiện rõ ý thức tích cực của con người là dám làm và dám chịu trách nhiệm.

          Câu 4. Em đồng tình với ý kiến: “Trách nhiệm là yếu tố cơ bản làm nên một con người đích thực”.

        Lí giải: Phải nói rằng, đây là một trong những phẩm chất cần có nhất của mỗi con người trong xã hội nói chung và đối với thế hệ học sinh ngày nay nói riêng. Đặc biệt, chúng ta làm việc có trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng là điều kiện góp phần hoàn chỉnh nhân cách của một con người trong xã hội hiện đại và văn minh. “Trách nhiệm” là một trong năm phẩm chất quan trong mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hình thành và phát triển cho học sinh: “yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

  1. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận xã hội (mức điểm tối đa: 2,0 điểm)

   1. Yêu cầu chung:

- Thí sinh biết vận dụng kiến thức xã hội và kĩ năng viết văn nghị luận xã hội để tạo lập đoạn văn.

- Đoạn văn phải có kết cấu rõ ràng, viết đúng vấn đề nghị luận được nêu ở đề bài; đảm bảo tính liên kết về nội dung và hình thức; diễn đạt trôi chảy; không mắc các lỗi: chính tả, từ ngữ, ngữ pháp; đảm bảo đúng một đoạn văn và không thừa, không thiếu số câu so với yêu cầu của đề (từ 7 đến 10 câu).

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lý lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

2. Yêu cầu cụ thể:

a. Bảo đảm yêu cầu về hình thức đoạn văn:

- Chữ đầu đoạn văn phải viết hoa và lùi đầu dòng; cuối đoạn phải có dấu hiệu kết thúc.

- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo một cách hoặc kết hợp các cách: diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành hoặc tổng – phân – hợp; bảo đảm yêu cầu về cấu trúc đoạn văn.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm với bản thân”.

c. Triển khai luận điểm một cách hợp lí, đúng với đoạn văn nghị luận:

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp, triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách để làm rõ vấn đề…; bảo đảm hợp lý, thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật; bảo đảm tính liên kết về nội dung và hình thức. Có thể theo hướng:

* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: “ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm với bản thân”.

* Giải thích: “sống trách nhiệm với bản thân là những điều mà mỗi người tự nhận thấy cần phải làm cho chính mình bằng những công việc cụ thể và có ý thức cao…

* Phân tích, chứng minh “ý nghĩa của lối sống có trách nhiệm với bản thân”:

      - Giúp cho mỗi người đem lại những điều có giá trị lớn lao cho bản thân và cộng đồng.

      - Là động lực giúp cho mỗi người ngày càng hoàn thiên hơn về phẩm chất và năng lực.

      - Có được lòng tin tưởng của mọi người, được mọi người yêu quý, kính trọng…

      - (…)

* Khẳng định chung về “lối sống có trách nhiệm với bản thân”; rút ra bài học nhận thức và hành động; nêu ra lời nhắn gửi đối với mọi người.

d. Bảo đảm chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt:

Lưu ý: Không cho điểm tiêu chuẩn này nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

đ. Sáng tạo (thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ):

Thí sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về tư tưởng, đạo lý; có cách nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề nghị luận; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

3. Đoạn văn tham khảo:

      (1) Trong cuộc sống, ý thức và trách nhiệm của con người là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu và có nhiều ý nghĩa lớn lao. (2) Quả thật, từ nội dung của đoạn trích ở phần đọc hiểu đã gợi cho chúng ta suy nghĩ về vấn đề tư tưởng đạo lí: “ý nghĩa của việc sống có trách nhiệm với bản thân”. (3) Theo ý nghĩa chung nhất,sống trách nhiệm với bản thân là những điều mà mỗi người tự nhận thấy cần phải làm cho chính mình bằng những công việc cụ thể và có ý thức cao. (4) Và nếu như lối sống đặc biệt đó thể hiện đúng chỗ và đúng thời điểm thì sẽ tạo được những “ý nghĩa tích cực”. (5) Trước hết, nếu con người “sống có trách nhiệm” thì sẽ làm được những điều có giá trị lớn lao cho bản thân và cộng đồng. (5) Đặc biệt, khi con người có ý thức mình cần phải làm những gì cho chính mình thì cũng sẽ giúp cho chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn về phẩm chất và năng lực. (6) Hơn nữa, người sống có trách nhiệm, đúng mực, chu tất và toàn vẹn thì sẽ có được lòng tin tưởng của mọi người, được mọi người yêu quý, kính trọng. (7) Trong những năm vừa qua, nhiều người đã biết “sống có trách nhiệm” bằng những việc làm “có ý nghĩa” nhằm giúp cho những địa phương vùng tâm dịch vượt qua những khó khăn thử thách do đại dịch Covid-19 gây ra.

(8) Nhìn chung, “sống trách nhiệm với bản thân” là điều hết sức cần thiết nhất đối với con người ở mọi thời đại, đặc biệt là trong xã hội ngày nay. (9) Chính vì thế, mỗi cá nhân (nhất là thế hệ trẻ) cần có thái độ sống tích cực trong việc xây dựng nhân cách của bản thân để xứng đáng mình là “một tế bào hữu ích của xã hội”; đồng thời cũng biết phê phán những người sống vô trách nhiệm và làm tổn đến danh dự, uy tín của chính bản thân và gia đình mình. (10) Mỗi người trong cộng đồng hãy là “một đóa hoa thơm” để tô điểm thêm cho “vườn hoa cuộc sống” ngày càng đẹp hơn!

Câu 2. Viết bài văn nghị luận văn học (mức điểm tối đa: 5,0 điểm)

1. Yêu cầu chung:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm bài văn nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết có bố cục chặt chẽ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy; bảo đảm tính liên kết giữa các câu trong đoạn văn và giữa các đoạn văn trong toàn bộ văn bản; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp; trình bày bài làm sạch, đẹp.

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lý lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng.

2. Yêu cầu cụ thể:

a. Bảo đảm cấu trúc bài nghị luận:

Bài làm có đầy đủ các phần “mở bài, thân bài, kết bài”. “Mở bài” giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận; “thân bài” thực hiện đúng các yêu cầu của đề bài, “kết bài” khẳng định vấn đề nghị luận.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật bé Thu trong đoạn trích nêu ở đề bài; lý giải ý nghĩa nhan đề “Chiếc lược ngà” liên quan đến câu chuyện về tình cha con trong tác phẩm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

- Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, cần vận dụng kết hợp các thao tác lập luận, phối hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.

- Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lý và có sự liên kết chặt chẽ.

Bài viết có thể trình bày theo định hướng sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Quang Sáng, tác phẩm “Chiếc lược ngà”, nhân vật bé Thu và đoạn trích nêu ở đề bài.

* Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật bé Thu trong đoạn trích:

      - Nêu qua vai trò, vị trí của nhân vật bé Thu trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”: Bé Thu là là một trong những nhân vật chính của truyện ngắn “Chiếc lược ngà”, là nơi để Nguyễn Quang Sáng gửi gắm nhiều “thông điệp nghệ thuật” có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Bởi thế, xuyên suốt tác phẩm, nhà văn đã tập trung bút lực để khắc họa đậm nét nhân vật này thông qua những đoạn văn đặc sắc.

      - Khái quát chung về nhân vật bé Thu:

         + Nhìn trên đại thể về nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Quang Sáng ở truyện ngắn này, chúng ta thấy rằng: Tác giả phát huy thế mạnh vai trò của người kể chuyện. Tác giả đã khéo léo lựa chọn một nhân vật kể chuyện rất thích hợp. Đó là người bạn thân của ông Sáu – nhân vật “tôi”. Ông không chỉ là người chứng kiến và kể lại toàn bộ câu chuyện mà còn bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với các nhân vật. Những ý nghĩ, cảm xúc của người kể chuyện làm người đọc hiểu rõ hơn các sự việc và đồng cảm với các nhân vật trong truyện (đặc biệt là nhân vật bé Thu).

         + Nhìn chung, trong toàn bộ tác phẩm “Chiếc lược ngà”, Nguyễn Quang Sáng đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật, trong đó nổi bật và đáng chú ý nhất là biện pháp phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật bé Thu với nhiều đặc điểm nổi bật: thái độ và hành động của bé Thu trước khi nhận ra ông Sáu là cha và thái độ và hành động của bé Thu khi nhận ra cha.

      - Xác định phạm vi, giới hạn đoạn trích nêu ở đề bài: Riêng đoạn trích nêu ở đề bài là một trong những đoạn trích tiêu biểu thể hiện sự “tỏa sáng” và “thăng hoa” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong việc miêu tả “quá trình chuyển biến tâm lý và hành động” của nhân vật bé Thu trong buổi “sáng hôm sau”. Đoạn trích diễn tả tâm trạng, thái độ và hành động của bé Thu khi nhận ra cha.

      - Khái quát qua những sự việc, chi tiết ở những đoạn văn trước đó: Ở những đoạn văn trước đó, hình ảnh nhân vật bé Thu hiện lên với những chi tiết nổi bật trước khi nhận ông Sáu là cha. Tâm lý và thái độ của bé Thu được biểu hiện qua hàng loạt các chi tiết mà người kể chuyện đã quan sát và thuật lại rất sinh động. Khi mới gặp ông Sáu, bé Thu hốt hoảng, mặt tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên. Có những tình huống bé Thu bị dồn vào thế bí mà vẫn gan lì, không chịu cất lên cái tiếng gọi mà ba nó vẫn khát khao trông đợi. Và bé Thu phản ứng thái quá trước sự chăm sóc ân cần của ông Sáu. Bị ông Sáu đánh, bé Thu không lăn ra khóc giẫy mà vẫn ngồi im rồi bỏ về nhà bà ngoại…

      - Trọng tâm: Phân tích cụ thể từng từ ngữ, hình ảnh, câu văn, biện pháp nghệ thuật…ở đoạn trích nêu ở đề bài để làm rõ diễn biến tâm trạng của nhân vật bé Thu:

      Đặc biệt, đến đoạn trích nêu ở đề bài, diễn biến tâm trạng của nhân vật bé Thu càng được khắc họa một cách đậm nét hơn. Phải nói rằng, đây là đoạn trích thể hiện rõ nhất tài năng của tác giả trong việc miêu tả bước chuyển biến tinh tế trong tâm lý nhân vật và việc sử dụng ngôn ngữ văn xuôi nghệ thuật một cách sáng tạo và tài hoa.

         + Trong buổi sáng cuối cùng, trước phút ông Sáu phải lên đường, thái độ của bé Thu đã đột ngột thay đổi hoàn toàn. Lần đầu tiên Thu cất tiếng gọi ba và kêu như tiếng xé, tiếng “Ba…a…a…ba!” thiêng liêng ấy như vỡ ra từ sâu thẳm trong lòng cô bé. Nó vỡ ra còn lòng người đọc thì nghẹn lại.

         + Rồi bé Thu vừa kêu vừa chạy, “nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”. Tình yêu và nỗi mong nhớ với người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu, nay bùng ra thật mạnh mẽ và hối hả, cuống quýt, có xen lẫn cả sự hối hận.

         + Độc giả vô cùng cảm động khi biết rằng: Lúc bé Thu nhận ra cha cũng là lúc mà cha nó phải đi rồi, và ra đi mãi mãi…

* Đánh giá chung

      - Nhìn chung, đoạn trích nêu ở đề bài là một trong những đoạn trích hay nhất mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã tập trung bút lực trong việc khắc họa diễn biến tâm trạng của hình tượng nhân vật bé Thu. Đoạn trích chính là sự kết tinh” và “hội tụ” tư tưởng và nghệ thuật của toàn bộ tác phẩm.

      - Thông qua hình tượng nhân vật bé Thu được khắc họa trong đoạn trích nêu ở đề bài nói riêng và trong toàn bộ tác phẩm nói chung, tác giả đã gửi gắm những “thông điệp nghệ thuật” giàu ý nghĩa nhân sinh.

      - Tình huống truyện giàu kịch tính giữa thời điểm không nhận ba (ở những đoạn văn trước đó) và khi đã nhận ba của nhân vật bé Thu (thể ở đoạn trích nêu ở đề bài) là cả một quá trình diễn biến tâm lý đầy phức tạp. Nhưng thông qua đó, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên, đặc biệt nhất là tình cha con thắm thiết. Tìm hiểu truyện ngắn “Chiếc lược ngà” nói chung và đoạn trích nêu ở đề bài nói riêng, ta có thể thấy Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lý trẻ thơ.

* Lí giải câu chuyện về tình cha con liên quan đến nhan đề của tác phẩm – “Chiếc lược ngà”:

      - Câu chuyện về tình cha con giữa nhân vật ông Sáu và nhân vật bé Thu trong truyện làm cho người đọc cảm động nhất là sự việc được kể tiếp theo sau đó (tiếp sau nội dung sự việc ở đoạn trích nêu ở đề bài). Thật vậy! Khi bé Thu đã nhận ba thì cũng là lúc ông Sáu phải vào chiến trường. Trước khi chia tay ba, bé Thu muốn ba mua cho mình một chiếc lược khi ba trở về. Trở lại chiến trường, nỗi nhớ con càng đau đáu, ông Sáu nhớ lời hứa với con gái, lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ làm cho con một chiếc lược. Nhưng chưa kịp trở về đưa chiếc lược tận tay con gái thì ông Sáu đã hi sinh ở chiến trường. Chiếc lược ông gửi lại cho người đồng đội là ông Ba, nhờ đưa cho con gái mình, rồi mới nhắm mắt...

      - Với bé Thu, chiếc lược ngà là kỉ vật của người cha, là tình cảm yêu mến nhớ thương của người cha chiến sĩ nơi chiến khu dành cho mình. Và với ông Sáu, chiếc lược ngà là một vật quý giá thiêng liêng, bởi nó chứa đựng bao yêu thương, mong đợi của người cha và làm dịu đi nỗi ân hận vì đã đánh con…

      - Như vậy, câu chuyện cảm động về tình phụ tử thiêng liêng gắn liền với hình ảnh “chiếc lược ngà”. Nhà văn lấy hình ảnh này để đặt tên cho tác phẩm để độc giả hiểu được những “thông điệp nghệ thuật” đậm chất nhân văn của mình.

* Khẳng định chung:

      - Nhìn chung, đoạn trích nêu ở đề bài là một trong những đoạn trích ấn tượng nhất của nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi khắc họa hình tượng nhân vật bé Thu trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”. Thông qua đoạn trích này, chúng ta thấy được quá trình phát triển tâm lý của nhân vật theo chiều hướng tích cực, đồng thời cảm nhận sâu sắc về cách nhìn đầy nhân bản của nhà văn về vẻ đẹp của tình phụ tử thiêng liêng và thấy rõ ý nghĩa nhan đề của truyện “Chiếc lược ngà. Ở đây, trong mỗi câu văn, trong từng từ ngữ, ở mỗi biện pháp nghệ thuật…, “nhà nghệ sĩ ngôn từ” luôn chứng tỏ nét tài hoa và lối viết văn già dặn của mình.

      - Dù chỉ tìm hiểu qua một đoạn trích ngắn nhưng độc giả vẫn bắt gặp những lớp từ ngữ phong phú, những hình ảnh nghệ thuật độc đáo và đầy bất ngờ. Phải nói rằng, đoạn trích nêu ở đề bài nói riêng và toàn bộ tác phẩm “Chiếc lược ngà” nói chung đã nâng tầm vóc nhà văn Nguyễn Quang Sáng trở thành một cây bút văn xuôi có sức sáng tạo dồi dào. Với những tài năng nổi bật và phong cách độc đáo của mình, Nguyễn Quang Sáng xứng đáng được xem là nhà văn có tên tuổi trên văn đàn dân tộc!

d. Bảo đảm chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt:

Lưu ý: Không cho điểm tiêu chuẩn này nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

đ. Sáng tạo (thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ):

Thí sinh biết vận dụng lý luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật vấn đề bàn luận; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

(Hết)

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.