Sư đoàn 307 Anh hùng

05:28, 28/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ra đời trong thời điểm gặp nhiều khó khăn, nhưng Sư đoàn 307 (Quân khu 5) đã hoàn thành sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng với nhiều chiến công hiển hách. Đơn vị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày Truyền thống (30/7/1978 - 30/7/2023), Sư đoàn 307 vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

Thành lập sau ngày đất nước thống nhất

Mùa xuân năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng, đất nước ta hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà. Nhưng thế lực phản động Pôn Pốt - Iêng Xary với bản chất tàn ác, đã đưa quân tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của nước ta.

Chiến sĩ mới của Trung đoàn 29 (Sư đoàn 307) tuyên thệ dưới cờ.    
Chiến sĩ mới của Trung đoàn 29 (Sư đoàn 307) tuyên thệ dưới cờ.    

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, ngày 3/7/1978, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 207/QĐ-BQP thành lập Sư đoàn 307. Sư đoàn chủ lực, cơ động trực thuộc Quân khu 5. Ngày 15/7/1978, tại Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức gặp mặt các đồng chí cán bộ chủ chốt để công bố quyết định lâm thời thành lập Sư đoàn. Đến ngày 30/7/1978, các đầu mối đơn vị và các cơ quan Sư đoàn cơ bản được hình thành. Ngày 5/8/1978, tại khu rừng thuộc xã Hà Tam, huyện An Khê, nay là huyện ĐăkPơ, tỉnh Gia Lai, thừa ủy quyền của Bộ Quốc phòng, đồng chí Đoàn Khuê - Tư lệnh, kiêm Chính ủy Quân khu 5 công bố quyết định thành lập và giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 307. Căn cứ vào quyết định của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy - Chỉ huy Sư đoàn 307 đã xác định lấy ngày 30/7/1978 làm ngày truyền thống của Sư đoàn 307.

Khi thành lập, biên chế ban đầu của Sư đoàn gồm 3 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, cùng một số phân đội binh chủng phòng không, công binh, thông tin, trinh sát, quân y, vận tải và các cơ quan Sư đoàn... Thời gian chuẩn bị gấp rút, Đảng ủy - Chỉ huy Sư đoàn 307 vừa ổn định tổ chức, vừa huấn luyện và chuẩn bị quyết tâm chiến đấu. Cả Sư đoàn hừng hực quyết tâm, với tinh thần tất cả vì Tổ quốc thân yêu, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, hướng về biên giới chờ lệnh xuất phát.

Những chiến công hiển hách
Với những thành tích và chiến công trong suốt 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn 307 vinh dự được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1 Huân chương Độc lập; 6 Huân chương Quân công; 16 tập thể và 1 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

Sư đoàn 307 được giao nhiệm vụ đảm nhiệm phòng thủ trên tuyến biên giới từ Gia Lai đến Kon Tum và Cửa khẩu 23. Trong vòng 3 tháng đầu chiến đấu (9 - 11/1978), Sư đoàn đã tiêu diệt 350 tên địch, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 801 quân Pôn Pốt, buộc chúng phải rút về bên kia biên giới. Điển hình như trận đánh vào bãi Sằn (Cửa khẩu đồn 23 - Gia Lai) ngày 1/11/1978 của Trung đoàn 95 (Sư đoàn 307) đã giành thắng lợi to lớn, tiêu diệt 2 đại đội, gây thiệt hại nặng 2 đại đội khác, diệt 110 tên địch... Những chiến công đó đã góp phần làm nên truyền thống “Ra quân đánh thắng” của Sư đoàn 307.

Trong suốt 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, với tinh thần tiến công thần tốc, Sư đoàn 307 đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Quân khu 5, các mặt trận và các lực lượng cách mạng Campuchia chiến đấu cứu nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng cuộc sống mới. Trong những năm tháng khốc liệt đó, Sư đoàn 307 đã tham gia chiến đấu 1.064 trận lớn nhỏ, từ quy mô cấp sư đoàn, trung đoàn đến cấp tiểu đoàn, đại đội; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 5.000 tên địch, gọi hàng 1.535 tên...; tiêu diệt 13 đại đội, đánh thiệt hại nặng 3 sư đoàn, làm tan rã 6 trung đoàn; giải phóng hoàn toàn 3 tỉnh nước bạn Campuchia với hàng vạn dân.  

Sau khi Campuchia được giải phóng, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 307 lại giúp bạn xây dựng chính quyền, tái thiết đất nước. Tổ chức đón, sắp xếp, ổn định nơi ăn, ở cho hơn 10 vạn dân các tỉnh Đông Bắc Campuchia trở về quê cũ. Thành lập 32 tổ công tác xuống cơ sở ở 7 huyện để giúp đồng bào định canh, định cư; xây dựng cuộc sống mới cho hơn 16 nghìn hộ, trên 100 nghìn nhân khẩu; làm mới hàng chục nghìn nhà ở, trường học, bệnh xá và nhiều cơ sở hạ tầng khác. Hình ảnh đẹp của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 307 nói riêng và Quân tình nguyện Việt Nam nói chung mãi mãi khắc sâu trong lòng nhân dân Campuchia.

Năm 1989, Sư đoàn 307 được lệnh rút quân về nước. Từ đó, Sư đoàn đã tập trung thực hiện nhiệm vụ mới là xây dựng đơn vị chủ lực cơ động, vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia xây dựng lực lượng dự bị động viên.  

     
Bài, ảnh: XUÂN BẢO

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 05:28, 28/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.