Về nơi mía ngọt, đường thơm...

09:27, 08/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng Tư, khi cái nắng đầu hạ hanh hao, khô giòn tỏa khắp triền đồi, cũng là lúc người dân khu đông của tỉnh Gia Lai rộn ràng thu hoạch mía. Mía ngọt từ đồng ruộng, sườn đồi về nhà máy được chế biến thành đường thơm. Còn bã mía được chuyển sang một dây chuyền khác, biến thành nhiên liệu phát điện sinh khối, vừa phục vụ điện cho nhà máy, vừa hòa lưới điện quốc gia.

Cứ thế, ngày ngày, cả một vùng rộng lớn phía đông Gia Lai rộn rã tiếng máy, mang lại cuộc sống ấm no cho hàng chục nghìn nông dân, công nhân nơi này...

Rừng mía trùng điệp

Tôi về lại TX.An Khê (Gia Lai) sau 7 năm, đúng vào mùa thu hoạch mía. Con đường dẫn về Nhà máy Đường An Khê có lẽ là tuyến đường tấp nập nhất thị xã trên cao này. Từng đoàn dài xe tải chở mía sắp hàng trật tự từ sáng sớm đến tận đêm khuya để vận chuyển mía vào nhà máy. Nhà máy Đường An Khê vận hành liên tục, với công suất ép 18 nghìn tấn mía/ngày. Ở nhà máy đường lớn nhất Việt Nam này, công việc sản xuất khẩn trương, bận rộn nhưng trật tự, nhịp nhàng vì nó được lập trình khoa học. 

Thu hoạch mía bằng máy đa năng trên cánh đồng chuyên canh mía ở huyện Kbang (Gia Lai). Ảnh: Thanh Nhị
Thu hoạch mía bằng máy đa năng trên cánh đồng chuyên canh mía ở huyện Kbang (Gia Lai). Ảnh: Thanh Nhị

Trong chuyến thăm vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê lần này, tôi được gặp lại anh Huỳnh Hữu Kỳ - cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu, người mà cách đây 7 năm đã đưa tôi đi khắp rừng mía huyện Kbang (Gia Lai). Nơi chúng tôi gặp gỡ là vùng mía trên quê hương Anh hùng Núp (làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang), với rất nhiều người dân quê Quảng Ngãi gắn bó với mía ngọt nơi này. Anh Kỳ bảo với tôi rằng, đồng mía hôm nay ngút ngàn hơn xưa, ngọt hơn trước vì diện tích được mở rộng, chữ đường tăng lên do đưa giống mía chất lượng hơn vào trồng thay thế giống mía cũ. Anh Kỳ nói vui nhưng rất thật, cả tuổi xuân đi trong mía, hương mía gây nghiện cho tôi mất rồi. Quanh quẩn một vùng mãi mà chẳng thấy cũ, thấy nhàm chán. Miễn là nhà máy cần tôi thì tôi vẫn gắn bó, không thể rời xa cây mía.

Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi Võ Thành Đàng cho biết, hiện nay dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE của Nhà máy Đường An Khê có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, với công suất 1.000 tấn/ngày; dây chuyền sản xuất đường RS vận hành ổn định. Kể từ đây, toàn bộ sản lượng mía tươi sẽ được công ty tiêu thụ hết, góp phần nâng cao giá trị cây mía, giúp nông dân an tâm sản xuất. Ngành mía đường phát triển ổn định sẽ kéo theo ngành điện sinh khối phát triển bền vững.

Tôi cũng từng lớn lên từ gốc rạ, chẳng xa lạ với cây mía, nhưng ngày xưa, mía quê tôi trồng trên từng thửa nhỏ, thu hoạch thủ công đốn, bó, vác trên vai. Hôm nay, cũng là mía, nhưng trước mắt tôi là rừng mía bạt ngàn. Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê phụ trách vùng nguyên liệu Nguyễn Hoàng Phước cho biết, vụ này, vùng mía trên đất Gia Lai của nhà máy có khoảng 25 nghìn héc ta, chữ đường bình quân 10, giá thu mua tại ruộng cho nông dân khoảng 1,1 triệu đồng/tấn, cao hơn năm trước khoảng 100 nghìn đồng/tấn. Theo kế hoạch, sang vụ mía 2023 - 2024, nhà máy sẽ phát triển lên 28 nghìn héc ta và kế hoạch những năm tới sẽ phát triển lên 30 - 40 nghìn héc ta. Chỉ tay về phía cánh đồng mía đang thu hoạch bằng máy, anh Phước bảo rằng, toàn bộ máy móc thu hoạch mía tự động do nhà máy đầu tư. Mía được đốn hạ, bóc lá trong tích tắc, đưa qua băm thành từng khúc, chuyển sang thùng chứa, rồi chuyển sang xe tải chở về nhà máy. 

Cả một buổi sáng tôi đi trong rừng mía, gặp gỡ nhiều cán bộ quản lý trạm đầu tư và thu mua mía cho Nhà máy Đường An Khê đang có mặt trên đồng mía, tôi thấy hầu hết tuổi đời còn rất trẻ và đều là kỹ sư xuất thân từ nhà nông. Họ hòa đồng với nông dân trồng mía, như những nông dân đích thực. Kỹ sư Ngô Văn Nghĩa, Trạm trưởng Trạm số 2, hiện đang phụ trách vùng mía 1.140ha tại xã Đăk HLơ (Kbang). Anh Nghĩa bảo rằng, các nông dân ở đây đã đăng ký phát triển vùng mía trong năm tới thêm 30ha nữa. Ở đây, việc trồng mía khá nhàn nhã vì đã được cơ giới hóa từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch.

Công nhân Nhà máy Đường An Khê đóng gói sản phẩm trước khi xuất ra thị trường tiêu thụ.            Ảnh: Thanh Nhị
Công nhân Nhà máy Đường An Khê đóng gói sản phẩm trước khi xuất ra thị trường tiêu thụ.            Ảnh: Thanh Nhị

Trồng mía đã giúp cho nhiều người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở đây có việc làm, thu nhập ổn định. Anh Đinh Khiêu, người Ba Na, ở xã Đăk HLơ bảo rằng, mỗi ngày phụ việc tém cho mía thẳng để máy dễ thu hoạch, tôi được trả công từ 300 - 350 nghìn đồng. Nếu đi làm đều đặn, thì tháng cũng được 10 triệu đồng.

Phát triển lớn mạnh 

Ðiều kiện tự nhiên của vùng đất phía đông Gia Lai, gồm 3 huyện Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro và TX.An Khê thích hợp với cây mía. Bởi vậy, Công ty CP Đường Quảng Ngãi quyết tâm đầu tư phát triển ở TX.An Khê một cụm nhà máy đường - điện song hành. Sau 23 năm, ngành đường - điện sinh khối tầm vóc quốc gia mang thương hiệu Công ty CP Đường Quảng Ngãi đang đứng vững trên mảnh đất An Khê.

 Một góc Nhà máy Điện sinh khối An Khê.                        Ảnh: Thanh Nhị
 Một góc Nhà máy Điện sinh khối An Khê.                        Ảnh: Thanh Nhị

Khi mới hình thành Nhà máy Đường An Khê, công suất ép mía chỉ 1.800 tấn mía/ngày, sau đó nâng lên 2.000 tấn, 4.000 tấn, rồi đến 40 nghìn tấn. Trong suốt 23 năm, có những lúc thăng trầm, gian khó, thử thách khối óc, trái tim những người làm trong ngành mía đường Quảng Ngãi, song sự lớn mạnh ấy vẫn đi lên, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Hiện tại, công suất ép mía của nhà máy là 18 nghìn tấn/ngày. Đặc biệt, dây chuyền đường tinh luyện hoạt động hết công suất, cho ra các sản phẩm đường RE đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trên thị trường. Nhà máy đã cải tiến chất lượng đường RS và phát triển sản phẩm đường vàng phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Giám đốc Nhà máy Đường An Khê Trần Quang Kiên chia sẻ, trước đây, Việt Nam có đến 54 nhà máy đường, nhưng sau thời gian khủng hoảng mía đường, hiện chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động, trong đó có Nhà máy Đường An Khê. Ở thời điểm hiện nay, đây là nhà máy có công suất ép lớn nhất nước. Từ khi có mặt trên địa bàn Gia Lai năm 2000 đến nay, Nhà máy Đường An Khê luôn thực hiện tốt các chính sách đầu tư vùng nguyên liệu, chiến lược phát triển ngành mía đường phù hợp với thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, nhà máy đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất và không ngừng nghiên cứu giống mía mới để nâng cao năng suất trên cùng đơn vị diện tích. Quan điểm của nhà máy là luôn đồng hành cùng nông dân, liên kết bền vững trong phát triển.

Năm 2016, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đầu tư 2.000 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Điện sinh khối An Khê, có công suất lớn nhất nước (95MW) và phát điện năm 2018. Hiện tại, ngoài lượng điện phục vụ cho hoạt động của nhà máy đường, lượng điện hòa lưới quốc gia dự kiến sẽ mang về doanh thu cho công ty mỗi năm khoảng 280 - 300 tỷ đồng. Nhà máy điện sinh khối là giải pháp khai thác triệt để tiềm năng của cây mía và thân thiện với môi trường, đóng góp vào phụ tải điện của tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng bền vững của đất nước.

THANH NHỊ 

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

 


Ý kiến bạn đọc


.