Chuyển đổi cây trồng trên đất trồng mía

03:03, 10/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ khi Nhà máy Đường Phổ Phong (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) dừng hoạt động, hàng trăm hécta đất trồng mía ở TX.Đức Phổ và các địa phương khác đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, hiện có nhiều diện tích thiếu nước sản xuất, nên chuyển đổi như thế nào để mang lại hiệu quả là bài toán không dễ có lời giải.
[links()]
Giảm diện tích trồng mía
 
Xã Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ) từng được mệnh danh là thủ phủ của cây mía ở phía nam tỉnh. Thế nhưng, mùa này trở lại Phổ Nhơn, trên khắp các cánh đồng đã được phủ một màu xanh của mì, bắp, dưa và nhiều loại hoa màu ngắn ngày khác. Hiện chỉ còn lác đác vài thửa mía nằm xen kẽ với các loại cây trồng. Với nhiều người dân nơi đây, cây mía đã trở thành dĩ vãng.
 
Ông Nguyễn Văn Hùng, ở xã Phổ Nhơn chia sẻ: Trước đây, Phổ Nhơn là vùng thiếu nước, khó trồng cây gì cho phù hợp, nên người dẫn đều trồng mía. Bây giờ, Nhà máy Đường Phổ Phong không thu mua nữa, chúng tôi chuyển sang trồng bắp, mì...  
 
Hầu hết đất trồng mía trước đây ở xã Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ) đã được người dân chuyển sang trồng bắp và các loại hoa màu khác.
Hầu hết đất trồng mía trước đây ở xã Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ) đã được người dân chuyển sang trồng bắp và các loại hoa màu khác.
Trưởng phòng Kinh tế TX.Đức Phổ Nguyễn Thành Lưu cho biết: Năm 2021, cây mía vẫn nằm trong cơ cấu cây trồng của địa phương, với chỉ tiêu kế hoạch thực hiện là 43ha, nhưng diện tích trồng thực tế không đến con số này. Những diện tích sản xuất khác, địa phương khuyến khích người dân chủ động trồng các loại cây phù hợp với chân đất, tưới tiết kiệm nước...
 
Không riêng gì TX.Đức Phổ, hàng trăm hécta đất trồng mía ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Sơn Hà... cũng đã được chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện một số địa phương đang liên kết với Trang trại Bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi trồng bắp sinh khối, phục vụ chăn nuôi bò. Đây được xem là hướng đi hiệu quả, mang lại thu nhập cho nhiều nông dân.
 
Loay hoay tìm hướng đi bền vững
 
Với mục tiêu quy hoạch vùng mía nguyên liệu tập trung đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh 4.400ha, nhiều năm qua, Quảng  Ngãi đã thực hiện dồn điền đổi thửa được khoảng 600ha theo mô hình “cánh đồng lớn” ở một số địa phương. Song, nhiều diện tích sau khi được dồn điền đổi thửa đã không trồng mía, mà chuyển sang trồng các loại cây khác. 
 
Trên thực tế, không phải đến niên vụ 2020 - 2021, người dân mới bắt đầu chuyển đổi đất trồng mía sang trồng cây hoa màu khác, mà khoảng 5 năm gần đây, diện tích cây mía ngày càng bị thu hẹp. Nguyên nhân là do giá mía liên tục giảm, trong khi chi phí đầu tư, thu hoạch lớn, buộc người dân phải tìm một hướng đi khác.
 
Theo lãnh đạo UBND xã Bình Tân Phú (Bình Sơn), trước đây, trên địa bàn xã cũng có hàng trăm hécta mía, nhưng từ khi Nhà máy Đường Phổ Phong ngừng hoạt động, nông dân đã chuyển sang trồng loại cây khác. Nhưng đất ở đây thiếu nước trầm trọng, nên rất khó chọn cây trồng phù hợp. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân nên trồng các loại cây chịu được điều kiện nước tưới, thổ nhưỡng, chứ không thể chọn loại cây trồng cụ thể nào. Hơn nữa, vấn đề tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp vẫn là bài toán khó, khiến việc chuyển đổi chỉ mang tính thời vụ.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.