Biển gọi...

04:02, 14/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mọi người đang lom khom kéo lưới chợt có tiếng la to: "Cá lớn". Một con cá to vùng vẫy, gắng sức thoát khỏi lưới bập bềnh trong làn nước lạnh. Một ngư dân cầm dây thắt thòng lọng nhảy ùm xuống nước bơi đến bên rồi tròng vào đuôi cá giữa tiếng hò reo cổ vũ của bạn chài...
 
[links()]
 
Chọn cá nơi biển khơi
 
Chiều phai nắng, biển xanh mơ màng in nền trời lơ lửng vầng mây trắng bay. Tàu cá QNg-94806TS của anh Trần Cu Ly, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) buông neo dập dềnh trên sóng nước. Ngư dân trên tàu cặm cụi nấu cơm trong chiều vàng nhạt nắng. Những con gió vờn đuổi nhau lướt trên sóng nước khơi xa. Họ quây quần trên sàn tàu xúc cơm và chan canh vào tô ăn ngon lành. Tiếng nói cười rôm rả trong chiều muộn. Qua bữa cơm, tàu nhổ neo, máy nổ giòn tiến về phía trước. Bạn chài đứng trên boong tàu buông lưới vào lòng biển xanh màu ngọc bích, đôi mắt ánh lên niềm hy vọng thu được cá đầy khoang. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, họ thả xong giàn lưới cản dài gần 13km, cao tầm 20m xuống biển lạnh. Xa xa, đèn điện trên tàu cá sáng lung linh tựa khung cảnh phố thị về đêm. Tàu buông neo, bạn chài tụ tập trên sàn tàu ngả nghiêng nói cười trước khi chìm vào giấc ngủ giữa biển khơi. “Nghề lưới cản thường đánh bắt vào chiều tối và kéo lưới vào sáng sớm hôm sau. Mắt lưới rộng 1 tấc nên bắt cá lớn từ 1 cân trở lên, cá nhỏ lọt lưới anh à!”, Ly tâm sự.
 
Ngư dân phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) hành nghề trên biển.   Ảnh: Trang Thy
Ngư dân phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) hành nghề trên biển. Ảnh: Trang Thy
Gần 2 giờ sáng, bạn chài thức dậy rồi nấu nước pha mì tôm. Gió lạnh trên biển đêm ùa vào da thịt khiến họ co ro trong tấm áo mỏng manh. Sau bữa sáng nhanh gọn, tàu nhỏ neo chậm rãi hướng theo lưới. Ngư dân nhịp nhàng đôi tay phụ với máy kéo đưa lưới lên boong tàu. Cá mắc lưới gắng sức giãy giụa tìm cách thoát thân khi bị kéo lên khỏi mặt nước. Mọi người đang lom khom kéo lưới chợt có tiếng la to: "Cá lớn". Một con cá to vùng vẫy, gắng sức thoát khỏi lưới bập bềnh trong làn nước lạnh. Khỏi cần nhắc nhở, một ngư dân cầm dây thắt thòng lọng nhảy ùm xuống nước bơi đến bên rồi tròng vào đuôi cá giữa tiếng hò reo cổ vũ của bạn chài. Ròng rọc quay tròn nhấc cá lên khỏi mặt nước giữa những tiếng cười nói xôn xao. "Lưới không dính cá thì ai nấy buồn hiu nhưng khi bắt được cá to mọi người phấn khởi lắm. Bao nhiêu mỏi mệt dường như tiêu tan", anh Ly kể.
 
Gần 4 năm trước, ngư dân Nguyễn Thành Sơn, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), chủ tàu cá QNg-94857TS, công suất 718CV, đã đầu tư 1,3 tỷ đồng mua giàn lưới cản dài 18km. Mắt lưới 1 tấc nên anh chuyên đánh bắt các loại cá lớn: Ngừ sọc dưa, ngừ bò, cá cờ và cá thu. Chiều muộn, anh điều khiển tàu cá, 9 thuyền viên đứng trên boong bủa lưới xuống nước trên vùng biển Hoàng Sa. Đêm đến, tàu buông neo bập bềnh trên sóng nước. Bạn chài nằm cạnh nhau nhắc chuyện xóm làng gắn bó keo sơn. Trên biển, vô số tàu cá bật đèn điện sáng lấp lóa như khung cảnh quê nhà. Điều ấy làm ấm lòng những ngư dân đang lênh đênh trên sóng nước. "Không chỉ Hoàng Sa, anh em chúng tôi đi khắp Biển Đông. Chỉ cần là biển của Việt Nam thì chúng tôi cứ đánh bắt, không sợ gì cả. Chúng tôi cũng không xâm phạm lãnh hải các nước khác vì lo ngại bị bắt giữ cả tàu lẫn người", anh Sơn tâm sự.  
 
Ít cá nhưng giá cao
 
Phường Phổ Quang có 155 tàu cá hành nghề lưới cản trên các vùng biển xa. Nhiều tàu cá đánh bắt đạt năng suất cao mỗi năm thu nhập năm bảy trăm triệu đồng, có tàu lên đến cả tỷ đồng. Chủ tàu thu được khoản lãi hàng trăm triệu đồng, bạn chài được chia năm bảy chục triệu đồng. "Chính quyền phường vận động ngư dân chuyển sang nghề lưới cản để khai thác có chọn lọc, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền cho ngư dân không xâm phạm lãnh hải nước ngoài...", Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Quang Huỳnh Xuân Bình cho biết.

Nghề lưới cản chuyên bắt cá lớn với trọng lượng mỗi con một vài ký, có khi lên đến hàng trăm cân. Thịt những loài cá này chất lượng cao nên mỗi cân trên dưới 50 nghìn đồng, có loại lên đến hàng trăm nghìn. Mỗi mẻ lưới chỉ cần trúng dăm bảy con cá lớn là thu được hàng chục triệu đồng. Vậy nên dẫu biển dần cạn cá tôm nhưng vẫn còn nhiều ngư dân gắn bó với giàn lưới cản chuyên đánh bắt ở vùng biển khơi xa. Và, biển giã được - mất thất thường, nhưng anh Sơn cùng bạn chài thường bắt được cá lớn.

 
Gặp dịp may mắn, chỉ sau 5 đêm đánh bắt tàu cá của anh thu được 7 tấn cá với khoản lãi hàng trăm triệu đồng. Trúng cá lẫn được giá và tư thương khắp các tỉnh, thành điện thoại hỏi mua nên anh và bạn chài rất phấn khởi. Sau khi vào cảng bán cá, mọi người tất bật mua sắm nhiên liệu và lương thực, thực phẩm rồi tiếp tục quay ra biển đánh bắt. "Nghề lưới cản phải sắm ngư cụ cho thật tốt. Giàn lưới đắt tiền thì mới dính cá nhiều. Như giàn lưới của tôi 4 năm trước chỉ một tỷ ba nhưng bây giờ mua phải một tỷ rưỡi", anh Sơn cho biết.
 
Sản lượng đánh bắt không bằng những nghề khác nhưng bù lại giá khá cao nên anh Ly và bạn chài vẫn gắn bó với giàn lưới cản. Qua vài đêm đánh bắt, tàu anh thu được hơn 1 tấn là vội vã chạy vào bờ “để bán cá tươi cho được giá”. Khoản tiền kiếm được sau khi trừ chi phí hàng chục triệu đồng làm rạng ngời những gương mặt sạm đen vì nắng gió biển khơi. Đấy là một trong những động lực thôi thúc anh và bạn chài ngày ngày lênh đênh trên sóng nước mưu sinh. "Nghề lưới cản đánh bắt không được nhiều như những nghề khác. Nhưng nghề này đánh bắt cá lớn nên bán được giá cao hơn. Vì vậy mà vẫn còn nhiều người gắn bó với nghề", anh Ly nói.
 
Tiếng vọng nơi khơi xa
 
 Ở tuổi 42, anh Ly có 26 năm dọc ngang trên biển rộng với bao lần đối diện với sóng gió dập dồn. Hiểm nguy giúp anh rèn luyện lòng gan dạ và ý chí vượt qua những thử thách trong cuộc đời. Đồng tiền kiếm được từ sự cơ cực nơi biển khơi giúp anh xây dựng nhà cửa và lo cho con đến trường. Ly còn hùn vốn với người anh xây dựng nhà máy chuyên cung cấp đá lạnh cho tàu thuyền đánh bắt hải sản. Công việc tại nhà máy khá bận rộn với khoản thu nhập cao, đủ lo cho cuộc sống gia đình, khỏi cần đối diện với những hiểm nguy và nhọc nhằn trên biển cả. Nhưng anh vẫn thuê nhân công lao động tại nhà máy thay mình bận bám theo “tiếng vọng nơi khơi xa”, cùng bạn chài ra biển buông- kéo lưới. "Nói thật là, nếu chỉ làm nhà máy đá không thì gia đình tôi cũng đủ sống. Thế nhưng, tôi vẫn thích ra biển. Vì nghề này gắn bó với mình mấy chục năm rồi nên khó có thể bỏ được", anh Ly tâm sự.
 
Cá lớn được ngư dân phường Phổ Quang đánh bắt từ lưới cản. Ảnh: Trang Thy
Cá lớn được ngư dân phường Phổ Quang đánh bắt từ lưới cản. Ảnh: Trang Thy
Vừa vào bờ nghỉ ngơi sau chuyến bám biển Hoàng Sa dài ngày, lão ngư Võ Văn Tạo (60 tuổi) hồi tưởng về những thăng trầm của đời mình. Năm 25 tuổi, ông theo người làng mưu sinh trên biển từ thuở tóc xanh đến khi nhuốm màu sương khói chốn nhân gian. Qua bao sóng gió dập vùi, ông kiếm được khoản tiền kha khá lo cho các con trưởng thành. Ông còn dành dụm để hùn vốn cùng 2 người em trai đóng mới tàu cá QNg-94428TS với công suất 718CV. 
 
Mỗi chuyến vươn khơi ông cùng các thuyền viên lênh đênh trên sóng nước với khoản thời gian 17 - 20 ngày. Biển cả dẫu lắm hiểm nguy nhưng ông không thể rời xa để chuyển sang nghề khác mưu sinh. Và, niềm "yêu biển" của ông được tiếp thêm sức với khoản kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 48 của Chính phủ, đối với những tàu cá công suất lớn tham gia đánh bắt trên các vùng biển xa. "Chúng tôi rất vui mừng khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ như thế. Những lúc xăng dầu lên cao khiến cho phí tổn ra khơi rất lớn nên dễ bị lỗ vốn. Khoản tiền hỗ trợ giúp bà con yên tâm bám biển mưu sinh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", ông Tạo chia sẻ.
 
Bao đời, người dân Phổ Quang luôn nhắc nhở nhau phải giữ gìn cá tôm để đánh bắt lâu dài. Những ngư dân hành nghề lưới cản ghi nhớ lời dặn dò của tiền nhân nên họ bỏ lọt cá nhỏ, bắt cá to để ngày sau còn có chốn mưu sinh.
 
TRANG THY
 

.