Nhiều mô hình cây ăn quả triển vọng

16:04, 05/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Sơn Tây đã và đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng phát triển cây ăn quả theo mô hình sản xuất VietGAP và hướng đến đăng ký mã vùng trồng để nâng cao giá trị nông sản, đầu ra ổn định cho sản phẩm.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Sơn Tây đã và đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng phát triển cây ăn quả theo mô hình sản xuất VietGAP và hướng đến đăng ký mã vùng trồng để nâng cao giá trị nông sản, đầu ra ổn định cho sản phẩm.
(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Sơn Tây đã và đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng phát triển cây ăn quả theo mô hình sản xuất VietGAP và hướng đến đăng ký mã vùng trồng để nâng cao giá trị nông sản, đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Sơn Liên là một trong các xã của huyện Sơn Tây tiên phong đưa nhiều loại cây ăn quả vào trồng để mở hướng thoát nghèo cho người dân, trong đó có cây mắc ca. Qua nhiều năm trồng, hiện cây mắc ca đã mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, người dân nơi đây còn đầu tư trồng nhiều loại cây ăn quả khác như bưởi da xanh, ổi, chuối mốc. Sơn Liên là một trong số ít các xã ở Sơn Tây mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ các loại cây hiệu quả kinh tế không cao sang trồng các loại cây ăn quả để tăng thu nhập cho người dân.

Học hỏi kinh nghiệm từ một số hộ dân trong xã, anh Đinh Văn Ba, ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên đã chuyển đổi hơn 5 sào đất trồng mì, keo của gia đình sang trồng mít và trồng xen cây dứa, với phương châm lấy ngắn nuôi dài để có điều kiện trang trải cuộc sống. Anh Ba chia sẻ, thửa đất này trước đây tôi trồng keo, trồng mì, giờ chuyển sang trồng mít. Tôi còn trồng xen cây dứa, hiện đã được 4 tháng tuổi, đang phát triển tốt. Sau này dứa có quả, tôi sẽ bán cho hợp tác xã...

Anh Đinh Văn Vân ở thôn Tang Tong, xã Sơn Liên cũng  thành công từ những mô hình trồng cây ăn quả. Anh đã chuyển đổi một số diện tích canh tác các loại cây trồng kém hiệu quả và khai thác đất hoang hóa để đầu tư trồng 700 cây bưởi da xanh, 4ha ổi nữ hoàng. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hiện cây bưởi đang phát triển rất tốt. Cây ổi thì đã cho thu hoạch.

Thời gian qua, xã Sơn Liên vận động người dân từng bước chuyển đổi các diện tích trồng keo, mì sang trồng các loại cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn xã đã có hơn 8ha trồng các loại cây ăn quả. "Mô hình chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ở Sơn Liên đã và đang phát huy hiệu quả. Các mô hình quy mô tuy nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt là đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân; giúp họ yên tâm đầu tư, phát triển, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, trồng trọt, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương", Chủ tịch UBND xã Sơn Liên Trần Minh Tuấn chia sẻ.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025, xã Sơn Liên đang định hướng cho người dân triển khai thực hiện các vùng cây ăn trái với diện tích lớn. Ngoài cây ổi, bưởi thì địa phương còn triển khai thêm cây dứa, mít và định hướng mở rộng vùng trồng các loại cây này. Qua đó, tạo nên một vùng cây ăn trái tập trung với quy mô lớn, theo chuỗi liên kết để đáp ứng các tiêu chí OCOP, cũng như tạo được đầu ra ổn định cho nông sản của địa phương.

Bài, ảnh: THANH KHÁNH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:04, 05/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.