Triển vọng từ mô hình cây ăn quả mới

02:10, 07/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Cùng với một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thời gian gần đây mô hình trồng cây mít Thái và cây cam sành của ông Huỳnh Hùng ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) đã mở ra nhiều triển vọng về những loại cây ăn quả mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả kinh tế

Cách đây 5 năm, khi chưa biết đến cây mít Thái và cây cam sành, cũng như nhiều hộ gia đình có đất vườn khác, ông Huỳnh Hùng chỉ trồng các loại cây tạp nên hiệu quả kinh tế không cao. Qua thời gian lên mạng tìm tòi những giống cây trồng mới, cùng với sự ủng hộ của địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, ông Hùng đã quyết định chọn cây mít Thái và cây cam sành để phát triển kinh tế vườn.

Mô hình trồng cây mít Thái siêu sớm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng cây mít Thái siêu sớm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Ông Hùng cho biết: "Sở dĩ tôi chọn cây mít Thái và cây cam sành để trồng, vì đây là những loại cây trồng mới, trước giờ ở Quảng Ngãi ít có người trồng. Đặc biệt là hai loại cây ăn quả này ít tán nên rất phù hợp với diện tích vườn 1.000m2 của gia đình. Trong khi đó, cây chôm chôm, sầu riêng và măng cụt tuy có giá trị kinh tế cao, nhưng thời gian sinh trưởng lâu, dễ sâu bệnh.

Sau thời gian trồng thử, nhận thấy cây mít Thái và cam sành tương đối dễ trồng, mà hiệu quả kinh tế cao nên ông Hùng tiếp tục nhân rộng lên 50 cây cam sành và 100 cây mít Thái. Trong đó, có 50 cây mít và 5 cây cam sành đã cho quả. Theo tính toán của ông Hùng, trung bình mỗi cây mít cho 15 – 20 quả, mỗi quả có trọng lượng từ 3 – 18 kg; còn cam sành cho khoảng 40kg/cây. Với giá bán giao động từ 10 – 15 nghìn đồng/kg mít chín, 8.000 đồng/kg mít non và 20 nghìn đồng/kg cam sành đã đem lại cho ông Hùng nguồn thu nhập khá.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng mít Thái, ông Hùng cho rằng, so với cây mít ta thì mít Thái có nhiều ưu điểm hơn như tán ít nên có thể cách 3m là trồng một cây và chỉ cần trồng 24 tháng là đã bắt đầu ra trái. Hơn nữa mít Thái có vị ngọt vừa nên dễ ăn, lại lâu hư nên có thể vận chuyển đi xa. Đặc biệt là mít Thái luôn có giá cao gấp 2-3 lần mít ta nên lợi nhuận đem về cao hơn.

Mở hướng mới về phát triển cây ăn quả

Nghĩa Hành là vùng đất tiềm năng và triển vọng về trồng cây ăn quả. Do đó việc tìm kiếm và nhân rộng những mô hình cây ăn quả mới mang lại hiệu quả kinh tế cao là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều hộ gia đình dù có đất vườn rộng nhưng vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây ăn quả có giá trị. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là lo sợ đầu ra cho sản phẩm.

Theo kinh nghiệm của ông Hùng, trong vườn không nên trồng độc một loại cây ăn quả mà có thể kết hợp trồng nhiều loại cây. Bởi như thế sẽ tạo được tính đa dạng, hỗ trợ qua lại và giảm áp lực đầu ra cho sản phẩm. Riêng về mít là loại cây trồng đặc biệt vừa có thể bán non lại vừa bán chín nên không sợ bí đầu ra. Nhất là vào khoảng tháng 10 âm lịch, thường là mùa mưa bão nên hầu hết các loại rau xanh đều không trồng được, thì mít non cũng rất đắt hàng.

Ông Đặng Tấn Lãnh – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Nghĩa Hành cho biết: "Để tận dụng và phát huy lợi thế về trồng cây ăn quả trên địa bàn, huyện đã triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển cây ăn quả hàng hóa giai đoạn 2012 – 2015” cho 12 xã, thị trấn trong huyện, với tổng diện tích 45 ha, trồng 3 loại cây chính là chôm chôm, sầu riêng và bưởi da xanh.

Tuy nhiên, trong quá trình tìm tòi, một số nông dân đã trồng các loại cây ăn trái mới đem lại hiệu quả kinh tế cao như mít Thái, cam sành. Vì vậy trong thời gian tới, huyện sẽ xem xét, tạo điều kiện để người dân áp dụng trồng các loại  cây ăn quả mới, phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của địa phương".

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.