Làng nghề truyền thống sản xuất phục vụ Tết

09:15, 01/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời điểm này, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đang nhập nguyên liệu, tăng nhân công sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, phục vụ thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Từ những ngày đầu tháng 10 âm lịch, không khí tại làng nghề sản xuất bánh tráng ở thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) đã trở nên nhộn nhịp. Dẫu thời tiết không mấy thuận lợi, nhưng các lò tráng bánh tráng ở nơi đây luôn đỏ lửa. Gia đình bà Nguyễn Thị Gái là một trong những hộ sản xuất bánh tráng lâu năm tại địa phương. Nếu như ngày thường, gia đình bà Gái chỉ sản xuất khoảng 30 - 50kg gạo, thì vào vụ sản xuất Tết, mỗi ngày bà Gái phải tăng sản lượng gấp 2 - 3 lần.

Cơ sở sản xuất chổi đót ở xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) đã thuê thêm nhân công để tăng cường sản xuất phục vụ thị trường Tết.

“Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết, nhưng thương lái đã đặt hàng bánh tráng của tôi từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là vào vụ sản xuất Tết thì thời tiết lại mưa lạnh, thay đổi thất thường. Do đó, để tránh ảnh hưởng đến việc sản xuất, buộc tôi phải tăng thời gian làm việc cũng như huy động thêm nhân công để sấy bánh. Tôi chỉ lo mình làm không xuể, chứ sản phẩm bánh tráng của gia đình rất được ưa chuộng, vào dịp cuối năm số lượng làm ra không đủ cung cấp cho thương lái”, bà Gái chia sẻ.

Các cơ sở làm nghề chổi đót truyền thống ở xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) cũng đã khẩn trương bước vào vụ sản xuất Tết. Nghề làm quanh năm, thế nhưng, cứ mỗi độ cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, nên các hộ làm nghề phải hoạt động hết công suất.

Anh Huỳnh Văn Phúc, ở thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong cho biết, trước đây, tranh thủ những lúc nông nhàn, tôi bó thêm chổi để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Từ khi thương hiệu chổi đót ở địa phương được nhiều nơi biết đến, tôi đã đầu tư mở cơ sở sản xuất chổi đót. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của tôi có 6 lao động, làm ra khoảng 600 cây chổi các loại. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 âm lịch, mỗi ngày, cơ sở của tôi phải tăng thêm 4 nhân công, sản xuất trên 1.000 cây chổi, mới đủ phục vụ thị trường cuối năm.

“Giá đót ngày càng tăng cao, nhưng nhờ chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu từ sớm mà tôi tiết kiệm được chi phí sản xuất. Thay vì bỏ mối qua các thương lái, gia đình tôi trực tiếp vận chuyển sản phẩm đến các đại lý ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nên có nguồn thu nhập cao hơn. Với sản lượng sản xuất như hiện nay, thì ước tính vụ sản xuất Tết này, sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi có nguồn thu nhập khoảng 60 triệu đồng”, anh Phúc chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Phổ Phong Phan Tiến Định cho biết, toàn xã Phổ Phong có gần 250 hộ gắn bó với nghề sản xuất chổi đót truyền thống. Nghề sản xuất chổi đót đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 1.500 lao động ở địa phương, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Bình quân mỗi năm, tổng sản lượng chổi xuất bán ra thị trường đạt từ 7 - 7,2 triệu cây, trong đó riêng vụ sản xuất Tết xuất bán gần 50% tổng sản lượng của cả năm.

Bài, ảnh: HẢI CHÂU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:15, 01/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.