Làng nghề, điểm đến thú vị

14:14, 17/09/2023
.
Sản phẩm của làng nghề mây tre đan ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi).  	
	 Ảnh: Bùi Thanh Trung
Sản phẩm của làng nghề mây tre đan ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Bùi Thanh Trung

Quảng Ngãi không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mà còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, với sự đa dạng của các làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm. Các làng nghề trên địa bàn tỉnh đa dạng về loại hình và phong phú về sản phẩm, được phát triển theo nhiều nhóm nghề khác nhau như chế biến nông - lâm - thủy sản, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, sinh vật cảnh... Trong đó, nhiều sản phẩm làng nghề nổi tiếng gắn liền với đời sống, văn hóa nông thôn, được lưu giữ và phát triển trong cộng đồng dân cư như nghề dệt chiếu cói, làm gốm, nghề trồng dâu nuôi tằm, mây tre đan, nghề làm bánh tráng, đường phèn, mạch nha, cá bống...

Sản phẩm làng nghề gốm Mỹ Thiện ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan.            
 Ảnh: Bùi Thanh Trung
Sản phẩm làng nghề gốm Mỹ Thiện ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan.      Ảnh: Bùi Thanh Trung

Tại thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), làng nghề gốm Mỹ Thiện hơn 200 năm tuổi thu hút nhiều khách tham quan. Chủ tịch UBND thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) Võ Thị Hiền cho biết, để phát triển du lịch gắn với khai thác tiềm năng của làng nghề gốm Mỹ Thiện, địa phương tăng cường kết nối giới thiệu sản phẩm; tạo điều kiện kết nối các tour từ làng gốm đến các địa điểm khác trên địa bàn. Thời gian qua, tỉnh, huyện đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất làng gốm nhằm bảo tồn, phát triển làng nghề, khai thác phát triển du lịch.

Làng du lịch Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) hướng dẫn khách tham quan làm bánh ít truyền thống.

Làng du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) cũng là một trong những điểm đến của nhiều khách du lịch. Từ đầu 2023 đến nay, có hơn 13 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm vườn trái cây, kết hợp tham quan làng nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề làm bánh truyền thống ở địa phương. Hơn nửa đời người nuôi tằm, ươm tơ, trải qua bao thăng trầm, ông Đoàn Quang Dũng, ở thôn Bình Thành vẫn quyết tâm giữ nghề truyền thống. Ông Dũng cho hay, đây là nghề có từ hàng trăm năm nay, nhiều hộ dân vẫn còn giữ nghề xưa để mưu sinh. Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, có nhiều du khách đến tham quan, người dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm cũng được hưởng lợi. 

 Làng nghề chiếu cói ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Ảnh: Hữu Thư
Làng nghề chiếu cói ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Ảnh: Hữu Thư
 Làm đường phèn ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Đoàn Vương Quốc

Ngoài ra, nhiều du khách đến tham quan các làng nghề sản xuất đường phổi, đường phèn ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi); làm kẹo gương, chiếu cói, làm nhang ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa); nghề dệt thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ)...

Làng nghề làm nhang, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Ảnh: Hữu Thư
Làng nghề làm nhang, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Ảnh: Hữu Thư
Nghề làm muối ở Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) có từ lâu đời, nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. 
Trong ảnh: Đồng muối ở Sa Huỳnh.  			               		    ẢNH: Đoàn Vương Quốc

Nghề làm muối ở Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) có từ lâu đời, nên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.   

Trong ảnh: Đồng muối ở Sa Huỳnh.          Ảnh: Đoàn Vương Quốc

Mặc dù có nhiều du khách đến tham quan các làng nghề, tuy nhiên du lịch làng nghề ở Quảng Ngãi vẫn chưa phát huy tốt tiềm năng, lợi thế. Hoạt động của một số làng nghề gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, các địa phương cần có cơ chế khuyến khích phát triển du lịch làng nghề, đồng thời quy hoạch, phát triển làng nghề. Du lịch làng nghề không chỉ dừng lại ở hoạt động tham quan, mua sắm mà du khách cần được nghỉ ngơi, vui chơi giải trí... Tất cả phải nằm trong một quy hoạch tổng thể, nếu không làng nghề rất khó để hấp dẫn khách du lịch.

Nội dung: KIM NGÂN

Thiết kế, trình bày: P.DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 14:14, 17/09/2023