Ngăn chặn dịch cúm gia cầm A/H5N1

15:34, 07/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước diễn biến dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra ở một số xã trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, các cơ quan chức năng trong tỉnh đang đẩy mạnh tăng cường các biện pháp khoanh vùng ổ dịch, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.

Chỉ tay ra khu vườn gần 200m2 của gia đình đang bị bỏ trống, ông Nguyễn Phượng (72 tuổi), ở thôn Phú Thuận, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) rầu rĩ cho biết, trước đây trên mảnh đất này, tôi tận dụng để nuôi vịt thương phẩm. Tuy nhiên, đầu tháng 5 vừa qua, đàn vịt 500 con đã đến kỳ xuất bán lần lượt bị bệnh chết rải rác. Tôi đã báo cáo với chính quyền địa phương và nhanh chóng được các đơn vị chuyên môn lấy mẫu gửi Cơ quan Thú y vùng IV xét nghiệm, kết luận đàn vịt của gia đình dương tính với vi rút cúm A/H5N1. 

Cán bộ thú y xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) tiêu hủy số vịt bị cúm A/H5N1 ở địa phương.
Cán bộ thú y xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) tiêu hủy số vịt bị cúm A/H5N1 ở địa phương.

Ngay sau đó, toàn bộ số vịt còn lại trong chuồng đều bị đem tiêu hủy, chỉ tính riêng tiền chi phí giống, thức ăn, gia đình tôi thiệt hại hơn 50 triệu đồng. “Tôi chăn nuôi vịt đã hơn 20 năm nay, nhưng chưa bao giờ gặp dịch bệnh gây thiệt hại lớn như thế này. Nguyên nhân một phần cũng do tôi chủ quan, vì tôi chỉ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm mũi 1 mà không tiêm nhắc lại mũi 2 theo quy định, nên miễn dịch chưa cao. Hiện tại, tôi đã khử trùng toàn bộ khu vực nuôi và tháo dỡ chuồng trại, không dám thả nuôi vụ mới”, ông Phượng than thở.

Không chỉ ông Phượng, mà đàn vịt 1.700 con của ông Phạm Văn Hải, ở thôn Đồng Nhơn Bắc, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) và đàn vịt 1.000 con của ông Trần Văn Anh, ở thôn La Hà 3, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) cũng gặp tình trạng co giật, chết rải rác do dương tính với cúm A/H5N1. Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 5, có trên 3.000 con vịt trên địa bàn tỉnh bị tiêu hủy do nhiễm bệnh cúm A/H5N1.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh, các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã đẩy mạnh triển khai các biện pháp cấp bách, khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy gia cầm nhiễm vi rút A/H5N1. Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt rà soát, thống kê đàn gia cầm, để tổ chức tiêm phòng bao vây, tiêu độc khử trùng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình mua bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào vùng dịch; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe cộng đồng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đỗ Văn Chung nhận định, thời tiết nắng nóng kèm mưa dông đã tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh cúm A/H5N1 phát sinh, lây lan. Hơn nữa, phần lớn người nuôi có tư tưởng chủ quan, chưa tiêm phòng đúng và đủ liều lượng cho đàn gia cầm, làm giảm sức đề kháng, nên nguy cơ bệnh cúm gia cầm xảy ra trong thời gian đến rất cao. 

“Ý thức tiêm phòng, chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi rất quan trọng. Do đó, để ngăn chặn, đẩy lùi được cúm A/H5N1, mỗi một hộ chăn nuôi cần áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, làm tốt vệ sinh chuồng trại, xác định được nguồn gốc con giống trước khi thả nuôi và tăng cường bổ sung vitamin, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh trên đàn gia cầm. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ vật nuôi, khi có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương, để có hướng giải quyết kịp thời. Tuyệt đối không được giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia cầm từ vùng dịch ra bên ngoài, tránh dịch bùng phát và lây lan trên diện rộng”, ông Chung khuyến cáo.

Bài, ảnh: HẢI CHÂU


TIN, BÁI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.