Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

16:11, 22/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều hội viên, phụ nữ trong tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với nhiều ý tưởng, sản phẩm mang đặc trưng của địa phương. Trong đó, có một số sản phẩm từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường, góp phần phát huy những tài nguyên bản địa.

Nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng

Sau hơn 2 năm ra mắt thị trường các dòng sản phẩm làm từ cá bống sông Trà, đến nay, các sản phẩm được làm từ đặc sản quê hương Quảng Ngãi của chị Thượng Thị Bình Uyên, ở thôn An Phú, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) được nhiều khách hàng lựa chọn. Chị Uyên cho biết, từ sở thích món cá bống sông Trà và với mong muốn tạo ra sản phẩm mới lạ nhưng vẫn giữ nét đặc trưng của quê hương, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu cách chế biến. Năm 2021, tôi bắt tay vào sản xuất một số dòng sản phẩm làm từ cá bống sông Trà. Thay vì chỉ có cá bống rim đóng hộp, tôi kết hợp giữa cơm cháy và cá bống để tạo thành một món ăn tiện lợi, ngon miệng và có thể đóng hộp, kinh doanh trên thị trường. Hiện nay, cơ sở sản xuất của tôi cung cấp ra thị trường 3 dòng sản phẩm gồm cơm cháy cá bống, bánh phồng cá bống và cá bống rim. 

Chị Thượng Thị Bình Uyên, ở thôn An Phú, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) với các sản phẩm được làm từ cá bống sông Trà.
Chị Thượng Thị Bình Uyên, ở thôn An Phú, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) với các sản phẩm được làm từ cá bống sông Trà.

Các sản phẩm từ cơ sở sản xuất của chị Uyên được nhiều người biết đến và tin dùng. Trung bình mỗi tháng, chị Uyên bán ra thị trường hơn 400 hộp bánh phồng, cơm cháy cá bống.

Cũng với ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm đặc trưng của quê hương, bà Dương Thị Minh Lý, ở huyện Lý Sơn đã chọn hành tím Lý Sơn là nguyên liệu chính trong các sản phẩm của mình. “Xuất phát từ việc sử dụng hành phi trong bữa ăn gia đình và mong muốn nâng cao giá trị hành tím của quê hương nên tôi có ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm hành phi. Sản phẩm hành phi của tôi đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022. Ngoài sản phẩm chủ đạo là hành phi, tôi còn sử dụng hành tím để làm hành muối chua ngọt”, bà Lý chia sẻ.

Tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa

Thời gian qua, tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh lan tỏa trong hội viên phụ nữ. Có nhiều ý tưởng, dự án phát huy được tài nguyên, sản phẩm đặc trưng của quê hương. Từ các cuộc thi liên quan đến khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh đã tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia dự thi, thu nhận gần 600 ý tưởng, dự án. Trong đó, gần 200 ý tưởng được chọn tham gia hội thi khởi nghiệp cấp tỉnh và hội thi do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp tại Chương trình “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” cấp tỉnh năm 2023.
Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp tại Chương trình “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” cấp tỉnh năm 2023.

Vào đầu tháng 4/2023, Hội LHPN tỉnh tổ chức phát động cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2023” với 40 dự án, ý tưởng tham dự. Hội LHPN tỉnh lựa chọn 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiêu biểu để hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện, tiếp tục tham dự cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Năm 2023, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”. Đây là cơ hội để hội viên phụ nữ tích cực tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tạo ra những sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của địa phương, có sức cạnh tranh trên thị trường. 

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na cho biết, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017- 2025 của Chính phủ. Qua đó, đã có nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện để hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh... Vừa qua, Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức Chương trình “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” cấp tỉnh năm 2023 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, kết nối đầu tư, phát huy tài nguyên bản địa”. Hy vọng trong thời gian đến, hội viên phụ nữ tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng, ước mơ khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp với các sản phẩm mang nét đặc trưng của quê hương, phát huy được tài nguyên bản địa.

Khởi nghiệp từ căn bếp gia đình

Đam mê nấu ăn và khéo tay, chị Lê Thị Thùy Trang, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) đã khởi nghiệp với các loại thực phẩm ngâm mắm, ngâm giấm, trong đó chủ yếu là thịt heo ky ngâm mắm. 

Chị Lê Thị Thùy Trang ở tổ dân phố Di Lang, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) đang đóng gói thịt heo ngâm mắm để chuyển đi các tỉnh
Chị Lê Thị Thùy Trang ở tổ dân phố Di Lang, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) đang đóng gói thịt heo ngâm mắm để chuyển đi các tỉnh

Chị Trang cho biết, tôi làm nghề mua bán phụ tùng xe máy đã hơn 10 năm nay. Tôi yêu thích nấu ăn nên tranh thủ khi có thời gian tôi thường tìm hiểu để nấu các món ăn cho gia đình. Ban đầu, tôi làm các món ngâm mắm, ngâm giấm để dùng trong gia đình, sau đó tặng bạn bè, người thân. Nhiều người nhận xét những món tôi làm hợp khẩu vị, ngon miệng nên gợi ý tôi làm để bán. Năm 2020, tôi đăng ký kinh doanh với tên nhãn hiệu “Thịt muối bé Đen” và tập trung chế biến, cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm như thịt heo, kiệu, tỏi, ớt xiêm ngâm mắm; tỏi, hành, ớt xiêm ngâm giấm... Có những ngày cao điểm, tôi bán hơn 40kg thịt heo ngâm mắm. 

Sau 3 năm khởi nghiệp, thực phẩm ngâm mắm, ngâm giấm do chị Trang làm đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng. “Thịt muối phải chọn loại tươi ngon. Heo ky thì phải chọn đúng loại heo bản địa, không ăn cám công nghiệp thì chất lượng thịt mới thơm ngon. Các gia vị đi kèm, tôi luôn chọn những loại thơm ngon nhất như tiêu sọ, tỏi, hành Lý Sơn, ớt xiêm, nước mắm nhĩ...”, chị Trang chia sẻ.

 

Bài, ảnh: HIỀN THU

 

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:




 


Ý kiến bạn đọc


.