Phát huy nội lực, đánh thức tiềm năng

10:33, 11/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) của tỉnh là vùng có nhiều tiềm năng và thế mạnh. Việc định hướng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có sẽ giúp khu vực này phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây.

 

Nhiều tiềm năng phát triển

Vùng đồng bào DTTS&MN Quảng Ngãi gồm 61 xã, trong đó có 59 xã thuộc 5 huyện miền núi: Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long và 2 xã nằm ở 2 huyện đồng bằng: Bình Sơn, Tư Nghĩa. Khu vực này có 187 nghìn người là đồng bào các dân tộc Hrê, Ca Dong và Cor, chiếm hơn 15% dân số toàn tỉnh. Đây là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững, với diện tích đất rừng, đất ven sông lớn. Khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại cây dược liệu quý hiếm như quế Trà Bồng, sâm bảy lá Cà Đam, địa liên, tam thất nam... Cùng với đó, các địa phương này còn có cảnh quan thiên nhiên độc đáo như: Thác Trắng (Minh Long), thảo nguyên Bùi Hui (Ba Tơ), thác Lụa (Sơn Tây), thác Cà Đú (Trà Bồng)... cùng nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS.

Những người trẻ ở xã Long Hiệp (Minh Long) cùng nhau phát triển cây chè xanh bản địa.    
Những người trẻ ở xã Long Hiệp (Minh Long) cùng nhau phát triển cây chè xanh bản địa.    

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhưng theo đánh giá của Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn, bức tranh kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Đây vẫn là vùng khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp. Số lượng doanh nghiệp hoạt động tại các khu vực này vẫn còn khá thấp. Việc đổi mới các mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn hạn chế. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân chưa nhiều. Bên cạnh đó, dù du lịch có bước phát triển, nhưng chưa bền vững, hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chính là do những tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác hiệu quả.

Đề xuất về một số định hướng phát triển bền vững cho vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh, ông Mẫn cho rằng, tận dụng lợi thế về đất rừng, kinh tế lâm nghiệp đã, đang và sẽ là hướng đi chính của khu vực này trong thời gian đến. Tuy nhiên, để vùng phát triển bền vững kinh tế lâm nghiệp cần phá thế độc canh cây keo, trồng đa dạng các loại cây dưới tán rừng. Đặc biệt, đẩy mạnh trồng, phát triển các loại cây dược liệu, nhất là cây quế Trà Bồng. Cùng với đó là, thay đổi một số thói quen, tập quán sản xuất lạc hậu, kém hiệu quả của người dân bằng cách tăng cường đổi mới các mô hình sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân. Các tiềm năng về du lịch cũng cần được quan tâm “đánh thức”, bởi phát huy được thế mạnh về tài nguyên du lịch, văn hóa bản địa của các dân tộc sẽ góp phần rất lớn trong giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS. 

Thúc đẩy khởi nghiệp, lập nghiệp

Vượt qua những khó khăn, tận dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, người dân vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Những đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của người dân là bước ngoặt để những mô hình kinh tế mới, cách làm mới từng bước lan tỏa tại vùng đồng bào DTTS&MN. Qua đó, khơi dậy ý chí thoát nghèo, mạnh dạn vươn lên làm giàu của người dân nơi đây.
 

“Trong thời gian đến, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy và lan tỏa các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh. Từ các mô hình này, những hướng đi vững chắc trong phát triển kinh tế và ý chí thoát nghèo sẽ từng bước được lan tỏa, làm cho đồng bào DTTS chủ động khai thác tiềm năng và tự lực, tự cường phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo". 

Trưởng ban Dân tộc tỉnh TRẦN VĂN MẪN

Tại các huyện miền núi trong tỉnh, gạo lúa rẫy được đồng bào DTTS trồng nhiều trên các sườn đồi, núi. Đây là một trong những loại gạo vừa sạch (vì không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác), vừa có hàm lượng dinh dưỡng cao. Song, bao năm qua, người dân chủ yếu trồng để ăn trong gia đình, chưa phát triển thành hàng hóa hoặc có giải pháp để nâng cao giá trị cho nông sản. Thế rồi, tại vùng cao Trà Bồng, vợ chồng chị Ao Thị Như Ý, ở thị trấn Trà Xuân, đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này để khởi nghiệp với mô hình nuôi đông trùng hạ thảo từ gạo lúa rẫy. Chị Ý cho biết, đông trùng hạ thảo được nuôi trồng bằng giá thể từ gạo lúa rẫy cho hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với nuôi trồng bằng các giá thể khác. Đến nay, sau hơn nửa năm phát triển, mô hình đã thu về kết quả nhất định, với sản lượng xuất bán bình quân mỗi tháng khoảng hơn 2kg nấm đông trùng hạ thảo khô. Ngoài ra, vợ chồng chị Ý còn sản xuất các sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong... Thu nhập hằng tháng mà vợ chồng chị Ý thu được từ các sản phẩm đông trùng hạ thảo dao động từ 70 - 80 triệu đồng.

Trong khi đó, thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) là nơi còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của người Hrê. Khởi nghiệp từ những sản phẩm thổ cẩm do chính tay mình và người dân trong làng dệt nên, chị Phạm Thị Y Hòa đã đưa sản phẩm truyền thống của quê hương vươn ra thế giới. Chị Hòa cho biết, từ năm 12 tuổi, tôi đã tập dệt thổ cẩm. Những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi vừa học vừa dệt thổ cẩm rồi đem ra chợ để bán lấy tiền đi học.

Mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo bằng gạo lúa rẫy của vợ chồng chị Ao Thị Như Ý, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).  
Mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo bằng gạo lúa rẫy của vợ chồng chị Ao Thị Như Ý, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).  

Theo đuổi nghề y, sau đó là nghề giáo, nhưng chị Hòa vẫn đam mê những màu sắc, hoa văn trên vải nhiều hơn, vì thế chị chọn quay về quê hương để bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng nghề dệt thổ cẩm. Bên cạnh tạo ra các dòng thổ cẩm truyền thống của người Hrê, chị Hòa mày mò và cách tân nhiều mặt hàng có màu sắc bắt mắt, hiện đại hơn để đa dạng hóa các sản phẩm, không chỉ quần áo, khăn, khố mà còn có túi xách, áo dài... Cùng với đó, chị Hòa sử dụng các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Nhờ vậy, các sản phẩm từ thổ cẩm của chị Hòa không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn thu hút các khách hàng ở các nước như Thụy Sĩ, Ý, Anh, Đức...  “Thổ cẩm là sản phẩm truyền thống của quê hương nơi tôi sinh ra và lớn lên. Vì vậy, tôi vẫn luôn quyết tâm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình”, chị Hòa chia sẻ.

Tại xã Sơn Liên (Sơn Tây), mô hình hoạt động của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên đã mở ra lối thoát nghèo cho nhiều người dân địa phương. Bằng việc liên kết với các hộ dân địa phương trong xây dựng mô hình trồng bưởi, ổi và chăn nuôi heo rừng lai, HTX không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, mà còn lan tỏa việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác đến cộng đồng dân cư. "Khi chưa liên kết sản xuất cùng HTX, vườn nhà tôi chủ yếu trồng mì. Thu nhập từ cây mì không đủ để tôi trang trải cuộc sống. Hơn nữa, cây mì còn bị dịch bệnh liên miên. Từ khi liên kết với HTX để trồng ổi Soli, tôi thu về từ 6 - 10 triệu đồng mỗi tháng. Tôi còn được HTX hướng dẫn, hỗ trợ lắp hệ thống tưới nước tự động. Đây là hướng đi mới, mà giờ tôi mới được thấy, chứ trước đây, người làng chúng tôi toàn phải xách từng thùng nước suối để tưới cho cây trồng”, anh Đinh Văn Thiếu, ở xã Sơn Liên, phấn khởi nói.

Từ khi thành lập đến nay, các thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên đã triển khai trồng 5ha ổi, 17ha bưởi da xanh, liên kết phát triển 3 trang trại nuôi heo rừng lai. Ngoài ra, HTX còn đứng ra thu mua, tiêu thụ các sản phẩm của nông dân địa phương sản xuất và các sản phẩm tự nhiên như gạo rẫy, măng nứa, ớt xiêm... Thấy được hiệu quả kinh tế khi tham gia HTX, người dân lần lượt xin gia nhập. Sau 3 năm thành lập, HTX hiện có 45 thành viên. Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm cho biết, thông qua hoạt động của HTX, chúng tôi mong muốn tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định cho người dân trong xã. Cùng với đó, chúng tôi tập trung hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp bền vững và có giá trị cao hơn.

Bài, ảnh: THU HIẾU

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.