(Báo Quảng Ngãi)- Trong quá trình triển khai Đề án 06 của Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động nhận diện những vấn đề còn tồn tại, bất cập để có giải pháp khắc phục, tháo gỡ kịp thời.
Quầy giải quyết thủ tục hành chính của Sở Y tế tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh. Ảnh: Ý THU |
Thượng tá Tạ Thanh Bình - Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động nhận diện những vấn đề đang tồn tại để khắc phục, tháo gỡ các điểm nghẽn. Trong đó, có 5 nhóm nội dung gồm: Pháp lý; hạ tầng công nghệ thông tin; dịch vụ công (DVC) thiết yếu; dữ liệu; nguồn lực. Cùng với đó, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh cũng tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành các nghị quyết về giảm phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh khi thực hiện các TTHC thông qua DVC trực tuyến. Theo đó, người dân được giảm 50% phí, lệ phí khi thực hiện DVC trực tuyến.
Nâng cao kỹ năng số Trong 2 năm (2023 - 2024), UBND tỉnh đã bố trí gần 4 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Cụ thể là, mở 24 lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng số cho 2.141 lượt cán bộ, công chức, viên chức, nhằm nâng cao nhận thức về về công nghệ, kỹ năng chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức đào tạo khóa học trực tuyến “Kiến thức chuyển đổi số hỗ trợ Đề án 06” trên nền tảng "Đào tạo quy mô lớn" (mooc) cho 2.149 học viên là các cán bộ, công chức, viên chức phụ trách Đề án 06. |
Đến nay, 5 “điểm nghẽn” được chỉ ra đã được giải quyết, tỷ lệ người dân tiếp cận và sử dụng DVC trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ngày càng cao. Công tác xây dựng, làm giàu và chia sẻ kết nối dữ liệu được thực hiện theo đúng lộ trình tạo điều kiện thuận lợi, thông suốt trong triển khai thực hiện Đề án 06. Các cơ quan, đơn vị rà soát và kiến nghị xử lý 9/12 văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp liên quan đến định danh, xác thực điện tử và quy định về việc cấp các giấy tờ cá nhân hoặc xác nhận thông tin cá nhân của công dân để phục vụ cho việc nghiên cứu tích hợp các thông tin liên quan trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNeID thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành trong tỉnh. Rà soát, báo cáo Bộ Tư pháp về việc thực hiện công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, thống kê những nội dung vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn và đề xuất Bộ Tư pháp có giải pháp xử lý. Đối với việc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã được cập nhật lên phiên bản 2.0, trên cơ sở hợp nhất Cổng DVC và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh.
Đặc biệt là, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nỗ lực cung cấp TTHC trực tuyến để người dân thực hiện các giao dịch hành chính trực tuyến. Hiện nay, có 461/1.692 TTHC được cung cấp thực hiện trực tuyến và 512/1.692 TTHC trực tuyến một phần. Qua theo dõi, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên cổng DVC tháng sau cao hơn tháng trước. Trong đó, tháng 5/2024, các thủ tục thiết yếu có tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên cổng DVC đạt tỷ lệ từ 95% trở lên. Ngoài ra, đến nay tỷ lệ số hóa hồ sơ TTHC khi tiếp nhận ở cấp tỉnh đạt gần 100%; cấp huyện đạt 85,7% và cấp xã đạt gần 100%. Tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC cấp tỉnh đạt gần 50%; cấp huyện đạt gần 80% và cấp xã đạt 96,5%...
BÁ SƠN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: