*Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN PHƯỚC HIỀN
(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi số (CĐS) đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh thực hiện CĐS để thích ứng với những thay đổi ngày càng nhanh chóng của công nghệ.
Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, tạo nội lực để thực hiện thành công CĐS của tỉnh. Qua đó, bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Chuyển đổi số là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài, đây là việc khó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó nhận thức và ý chí của người dân mang tính quyết định. Người dân vừa là người sử dụng, vừa là người tương tác với chủ thể quản lý nền tảng số để sản sinh ra dữ liệu số, xã hội số, chính quyền số và kinh tế số, dần dần từng bước hình thành thói quen với phương thức sản xuất mới, đó là dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, mua sắm trực tuyến, nghe nhìn trực tuyến... Do đó, các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong chuyển đổi nhận thức, nâng cao nhận thức về CĐS của người dân và doanh nghiệp, kỹ năng cần thiết để chủ động, tích cực tham gia, thích ứng với CĐS. Đồng thời, việc tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung CĐS cũng như các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực này phải được xác định là nhiệm vụ tiên quyết, then chốt trong quá trình thực hiện CĐS.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc năm 2022. ẢNH: PV |
Chuyển đổi số báo chí không chỉ đơn giản là số hóa nội dung đưa lên nền tảng số mà phải thiết lập, quản lý và vận hành cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới, thậm chí tạo ra văn hóa trong tòa soạn phù hợp với môi trường CĐS. Các cơ quan báo chí phải có nhận thức hết sức nghiêm túc về vấn đề này, phải đánh giá được nhu cầu, đối tượng phục vụ và xác định được mục tiêu hướng tới, từ đó lựa chọn giải pháp CĐS phù hợp.
Thời gian qua, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã ứng dụng mạnh mẽ nhiều phương thức truyền thông khác nhau, nhất là truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội để thông tin đến với người dân nhanh hơn, trực quan hơn và có sự tương tác hai chiều. Ngoài việc triển khai nội dung trên các phương thức truyền thống, Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã ứng dụng nền tảng mạng xã hội để truyền tải các chuyên mục Chuyển đổi số, Công dân số, Cải cách hành chính... để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm báo chí như: Emagazine, Mega Story, Podcast, Infographic... được thiết kế mang tính nghệ thuật, tạo sự lôi cuốn và nhận được những phản hồi tốt từ độc giả. Tuy nhiên, việc thực hiện CĐS của các cơ quan báo chí của tỉnh thời gian qua là tự phát, thiếu tự chủ về công nghệ. Các cơ quan báo chí khi hoạt động đa nền tảng bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin trên mạng xã hội, có nguy cơ bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, nhất là sự xuất hiện của công nghệ Deepfake.
Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy và người dùng công nghệ quan trọng hơn là công nghệ. Do đó, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải am hiểu về CĐS, để giúp quá trình CĐS diễn ra nhanh chóng, thành công. Mục tiêu hướng đến của CĐS báo chí là thông qua báo chí để đưa người dân, doanh nghiệp đến gần hơn với chính quyền, tiếp cận các chủ trương, chính sách một cách nhanh nhất thông qua việc thực hiện các dịch vụ trên các nền tảng số, tham gia cùng với chính quyền trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn hiện nay, để giữ chân độc giả, khán thính giả, muốn tồn tại cần phải CĐS, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau. Các cơ quan báo chí của tỉnh cần thực hiện tốt một số giải pháp, đó là nhận thức đúng về CĐS, không phải cứ mua công nghệ thì sẽ CĐS thành công, mà quan trọng có một tư duy đúng đắn về CĐS. Mấu chốt là ở con người, tư duy và tự thân các cơ quan báo chí phải nhận thức rõ sự cấp bách chứ không phải làm theo trào lưu và phải xem độc giả là trung tâm trong quá trình CĐS.
Ngày 8/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kế hoạch này, các cơ quan báo chí phải khẩn trương xây dựng kế hoạch CĐS và tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai CĐS báo chí đồng bộ với chương trình CĐS của tỉnh. Báo Quảng Ngãi tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển Báo Quảng Ngãi giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trọng tâm là báo điện tử đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí của tỉnh cần thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới đưa nội dung lên các nền tảng số để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả. Phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả. Ứng dụng các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí và ứng dụng nền tảng số cho các cơ quan báo chí thực hiện phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý nội dung số, tòa soạn hội tụ... Đồng thời, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí tỉnh, nâng cao vị thế của báo chí, truyền thông để làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, tạo nội lực để thực hiện thành công CĐS của tỉnh.
Trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, để từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí, thực hiện tốt hơn sứ mệnh tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của xã hội./.
TIN, BÀI LIÊN QUAN: