(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng đội ngũ cán bộ “Đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp” là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây là trách nhiệm của cấp ủy và của mỗi cán bộ, đảng viên.
Đoàn kết là sức mạnh
Đoàn kết là tiêu chí trung tâm, quyết định sức mạnh của cả đội ngũ cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng”. Vì vậy, phải “Giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII cũng khẳng định: “Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế".
Trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể vì có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị. Ảnh: TL |
Để có đội ngũ cán bộ thật sự “Đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp”, mỗi cán bộ phải thể hiện cho được trách nhiệm, bản lĩnh cá nhân, luôn “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. |
Đoàn kết thể hiện sự thống nhất ý chí và hành động. Mỗi một cán bộ, đảng viên trong tổ chức phải ý thức được trách nhiệm của mình, phải chung sức, chung lòng, giúp nhau, hỗ trợ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ. Một tập thể đoàn kết thì tất cả mọi người đều có một điểm chung - sự trung thành với tôn chỉ, mục đích của tổ chức. Theo đó, mọi suy nghĩ và việc làm của mỗi cán bộ và cả đội ngũ đều xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng của Đảng, hạnh phúc của nhân dân và sự trường tồn của dân tộc. Trái ngược với đoàn kết là mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, hoặc là “đoàn kết xuôi chiều”, là “dĩ hòa vi quý”, “thỏa hiệp vô nguyên tắc”. Trái ngược với trung thành là bất trung, phản bội lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, phản bội lại lợi ích của nhân dân, dân tộc.
Để đoàn kết, cán bộ của Đảng phải thực sự là những người trung thực, trong sáng, gương mẫu vì nhiệm vụ chung. Phẩm chất trung thực thể hiện ở sự ngay thẳng, thật thà trong suy nghĩ và hành động của người cán bộ. Người trung thực thấy đúng thì ghi nhận và bảo vệ, thấy sai thì chỉ rõ và đấu tranh. Đối lập với trung thực là dối trá; nói một đàng làm một nẻo, nói không đi đôi với làm, nói nhiều, làm ít. Phẩm chất trong sáng thể hiện ở suy nghĩ “trong và sáng”, không vẩn đục; hành động rõ ràng, minh bạch, lành mạnh, vô tư, vì lợi ích chung, sự nghiệp chung. Đối lập với trong sáng là mờ ám, đen tối, tiêu cực. Người trung thực thì tâm luôn trong sáng, người giả dối thì lòng dạ hẹp hòi, nịnh trên nạt dưới.
Gương mẫu trong mọi hành động
Gương mẫu là mẫu hình người cán bộ luôn suy nghĩ tích cực, hành động nêu gương; không đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm. Ngược lại, khi xa rời mục tiêu, lý tưởng, để tâm không sáng, dạ không trong, bề ngoài ra vẻ “thống nhất cao”, song mưu cầu lợi ích riêng, cục bộ, bản vị, nói không đi đôi với làm... sẽ là “tấm gương” xấu, tiêu cực, gây phản cảm, làm mất niềm tin của người khác đối với mình. Khi đó, nếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, của hệ thống chính trị, họ có thể sa vào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để xây dựng và ban hành các quyết định sai trái, vì “lợi ích nhóm”. Nếu là cán bộ tham mưu, nhà khoa học, chuyên gia, nhà giáo dục chính trị, họ có thể lệch lạc, tiêu cực trong kiến nghị chính sách, hoặc truyền bá tư tưởng chính trị trái với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, hoặc trở thành đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chính vị trí công việc của mình.
Huyện ủy Mộ Đức tổ chức chào cờ đầu tuần kết hợp sinh hoạt học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: TL |
Tinh thông, chuyên nghiệp là những phẩm chất quan trọng giúp cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một người cán bộ tinh thông trong công tác, nghĩa là trong nhận thức thì luôn nắm chắc, hiểu rõ, tường tận những vấn đề liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ; trong hành động thì thông thạo, thấu đáo, có phương pháp, cách thức hợp lý, có hiệu quả cao. Để tinh thông, người cán bộ phải luôn cầu thị, nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi nghiệp vụ, qua đó nắm rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, nội dung, phương thức, lực lượng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, khi thực hiện, biết đánh giá, dự báo chính xác tình hình, biết sử dụng các biện pháp thích hợp để hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác.
Chuyên nghiệp là phẩm chất phản ánh sự chuyên tâm vào ngành nghề, công việc chuyên môn của người cán bộ. Họ biết cách điều tiết công việc phù hợp với mục tiêu, tiến độ, điều kiện, môi trường để tạo nên hiệu quả tốt nhất; có tác phong làm việc nhanh nhạy, khoa học kết hợp với việc nắm vững về kiến thức chuyên môn. Đối lập với chuyên nghiệp là nghiệp dư; làm việc ngẫu hứng, tùy tiện, thiếu phương pháp, quy trình, đến đâu hay nấy, được chăng hay chớ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người cán bộ không giỏi về chuyên môn, không thông thạo về nghiệp vụ, không có kỹ năng xử lý công việc nhanh nhạy, quyết đoán, thì việc xác định nội dung, phương thức lãnh đạo, quản lý và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn sẽ thiếu tính khoa học, có khi phiến diện, cảm tính, có mặt buông lỏng, bỏ sót, hoặc bao biện làm thay, hoặc thấy đúng không biết cách bảo vệ, thấy sai không biết cách đấu tranh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Để có đội ngũ cán bộ thật sự “Đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp”, mỗi cán bộ phải thể hiện cho được trách nhiệm, bản lĩnh cá nhân, luôn “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo. Phẩm chất đó, trách nhiệm, bản lĩnh đó không tự nhiên mà có, nên rất cần sự nỗ lực tự học, tự rèn, tự phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên.
TS.TRƯƠNG THỊ BẠCH YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: