Tục "đi họ" ngày Tết

10:02, 02/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời xưa, dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi tổ chức ăn Tết không thống nhất về thời gian, mà tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, của mỗi làng (xóm) có thể tổ chức Tết bất cứ ngày nào trong tháng 1, hoặc tháng 2, thậm chí tháng 3 âm lịch. Tết là một sự kiện quan trọng nhất, khi gia đình tổ chức ăn Tết có thể kết hợp tổ chức một số sự kiện quan trọng khác, như cúng kiếng, tổ chức đi họ (tiaq proi)...
 
Tục tổ chức “đi họ” ngày Tết hay còn gọi “đi họ” ăn Tết là những gia đình khá giả, có con lấy vợ lấy chồng chưa tổ chức đám cưới, hoặc mới tổ chức đám cưới trong năm, gọi là sui mới, hoặc đã tổ chức đám cưới năm trước đó, gọi là sui cũ.
 
Lễ cúng ông bà của dân tộc Hrê ở Ba Tơ.            Ảnh: Minh Đát
Lễ cúng ông bà của dân tộc Hrê ở Ba Tơ. Ảnh: Minh Đát
Trước khi tổ chức ăn Tết vài ngày, thông qua người mai mối (chưa đám cưới), gia đình mời bên sui gia ăn Tết. Phía nhà sui được mời ăn Tết đi mời bà con họ hàng, chọn những nam nữ thanh niên, những người trong làng biết hát ta lêu, ca choi, biết đánh chiêng, biết vỗ đàn vinh vut... để cùng đi họ ăn Tết bên nhà sui. Tùy điều kiện đi ít hay nhiều, nhưng tất cả mọi người “đi họ” đều ăn mặc bình thường.
 
Khách “đi họ” ăn Tết, khi đến nhà tất cả đều được mời vào nhà từ cửa chính, cha mẹ phía nhà trai (hoặc phía nhà gái) và những người lớn tuổi được bố trí ngồi ngay vị trí nơi ngủ của chủ hộ. Khi khách đi họ đã có mặt đông đủ tại nơi tiếp khách, phía gia đình thực hiện nghi thức “lễ trao trầu cau” cho khách đi họ. Sau đó, đại diện phía khách giới thiệu thành phần đi họ. Tiếp theo là nghi thức “lễ khai rượu cần” tại cửa chính, thành phần đại diện những người lớn tuổi. Sau khi thực hiện các nghi thức lễ khai rượu xong mới được dọn ăn uống.
 
Gần đến lúc khách ăn xong, những người tiếp khách lấy những miếng thịt mỡ heo, miếng bánh tét to nhất mời khách ăn, thể hiện lòng mến khách của gia đình. Khách nào ăn hết những miếng thịt mỡ, bánh tét được phía gia đình mời, chứng tỏ người đó có sức khỏe, ăn uống tốt, biết tôn trọng lời mời của người khác... Và người đó cũng có thể mời lại người đã mời mình cùng ăn những miếng thịt mỡ, bánh tét, cứ thế họ mời nhau ăn bánh tét, ăn thịt mỡ một cách nhiệt tình, vui vẻ, làm cho không khí ăn Tết của gia đình thêm vui tươi, sôi nổi...
 
Ché rượu cần được bố trí nhiều vị trí khác nhau trên nhà sàn, đại diện gia đình mời khách đi họ và phía gia đình từng cặp uống rượu cần với nhau, sau đó mọi người thỏa thích mời nhau uống... Khi có men rượu, mọi người có thể rủ nhau hát ca choi, đánh chiêng... suốt ngày Tết, tạo nên không khi rộn ràng, vui tươi của ngày Tết gia đình, xóm làng...
 
Trước khi khách về, gia đình dọn cho khách ăn và chuẩn bị quà để tặng cho nhà sui. Quà được bỏ vào trong một chiếc gùi loại thưa, trong đó gồm có thịt heo sống (thịt đùi hoặc thịt vai), rượu, bánh tét, trầu cau, thuốc lá, chè tươi... Khi khách ăn xong, gia đình trao gùi quà cho nhà sui. Phía khách phân công một người cõng chiếc gùi quà phải là nam giới, trẻ, khỏe, uống rượu tốt. Người cõng chiếc gùi quà và khách đi họ đều ra về từ cửa chính. Những nam nữ thanh niên phía gia đình đã chuẩn bị sẵn những ống, bình rượu cần (đựng trong ống tre, trái bầu khô) để mời khách uống trước khi ra về. Tại cửa chính và ngoài sân, phía gia đình tổ chức “đội tiễn khách” rất hùng hậu, họ mời khách uống rượu một cách nhiệt tình, sôi nổi, người nào chưa say là họ bắt uống cho say, đặc biệt là người cõng chiếc gùi quà, nếu người khách đều say thì mới thỏa lòng mến khách của gia đình...
 
Tục “đi họ” ngày Tết là một nét sinh hoạt văn hóa mang nhiều ý nghĩa, thể hiện lòng quý trọng của hai bên sui gia với nhau. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các địa phương vùng dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi tổ chức ăn Tết cùng thời gian Tết cổ truyền, hoặc có những gia đình tổ chức Tết trước (khoảng 29 hoặc 30 tháng Chạp), thậm chí trước nữa (khoảng 25 - 28 tháng Chạp). Không khí ăn Tết bây giờ không giống như thời xưa, thiếu vắng những tiếng cồng chiêng, tiếng đàn vinh vut, tiếng hát ta lêu, ca choi và cả phong tục “đi họ” ngày Tết cũng thưa vắng...
 
Minh Đát
 
 

.