(Báo Quảng Ngãi)- Xuân Quý Mão 2023 là mùa xuân hạnh phúc của vợ chồng chị Nguyễn Thị Diễm Huê (39 tuổi), ở thôn Tân Long, xã Ba Động (Ba Tơ). Sau hành trình 12 năm điều trị hiếm muộn, chị Huê đã sinh được cặp con trai kháu khỉnh.
Chị Huê sinh hai con vào ngày mùng Một tết Quý Mão tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi, một ngày đặc biệt khởi đầu của năm mới và là khởi đầu của niềm hạnh phúc. Vợ chồng chị Huê và người thân trong gia đình vỡ òa hạnh phúc khi hai em bé chào đời.
Gian nan chuyện tìm con
Sau khi sinh con, chị Huê về ở nhà mẹ đẻ để được chăm sóc chu đáo. Ngôi nhà nhỏ của cha mẹ chị Huê ở phía bắc bờ sông Liên thuộc thôn Tân Long, xã Ba Động. Đường đến nhà phải qua cầu bắc qua sông Liên. Mùa này, nước dòng sông Liên trong xanh, không cuồn cuộn chảy, chia cắt đôi bờ như những năm tháng vợ chồng chị đi tìm con...
|
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Diễm Huê, ở xã Ba Động (Ba Tơ) hạnh phúc với 2 con sau 12 năm điều trị hiếm muộn. Ảnh: A.Nguyệt |
Chồng chị Huê là anh Huỳnh Văn Hải (42 tuổi) chào tôi với nụ cười của người đàn ông như vừa trút bỏ nỗi u buồn. Rồi anh vội vàng ôm con vào lòng khi nghe tiếng trẻ khóc. Chị Huê bảo, từ ngày có con anh Hải chỉ quanh quẩn trong nhà, chăm sóc vợ con. Ngày nào anh cũng ẵm bồng con, hạnh phúc chẳng thể nói thành lời.
Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Thị Mỹ Hòa - Khoa sản (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) cho biết, hành trình tìm con của vợ chồng Huê, nhân viên bệnh viện ai cũng cảm động. Bệnh viện luôn động viên Huê cố gắng giữ gìn. Đến tuần thứ 37 thì sản phụ Huê chuyển dạ (ngày Mùng Một tết Quý Mão). Qua khám, siêu âm, xét nghiệm, ca trực đã dự lường đây là ca sinh khó. Hiểu rõ nỗi vất vả tìm con của vợ chồng chị Huê nên bệnh viện quyết định hội chẩn tua trực để xử lý mổ lấy thai. Ca mổ thành công như mong đợi, giúp sản phụ vượt cạn và đưa cặp con trai (một cháu 2,9kg, một cháu 2,6kg) chào đời an toàn. Năm 2023, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh sẽ liên kết với các bệnh viện trung ương triển khai kỹ thuật IVF nhằm giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn sớm sinh con tại tỉnh nhà, hạn chế chi phí lên tuyến trên.
|
Không vui mừng, hạnh phúc sao được khi mong ước lớn lao trong cuộc đời đã thành hiện thực, là kết quả sau 12 năm vợ chồng chị lặn lội từ Nam chí Bắc để điều trị hiếm muộn. Nơi nào cho niềm hy vọng sinh được con là anh chị dành dụm tiền để khăn gói lên đường... Chồng chị Huê là con trai duy nhất trong gia đình, cũng là cháu đích tôn của dòng họ Huỳnh ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành). Chị Huê là con gái đầu lòng của gia đình. Hai bên gia đình đều trông mong có cháu ẵm bồng nên vợ chồng chị Huê càng nóng lòng sinh con.
Anh Hải làm công nhân cơ khí tại một nhà máy ở KKT Dung Quất. Chị Huê là nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Dung Quất (trước đây). Cưới nhau được 2 năm nhưng vẫn chưa có con, vợ chồng anh chị lo lắng và bắt đầu hành trình tìm con. “Mong muốn có con nên hai vợ chồng cố gắng làm việc, dành dụm tiền để điều trị hiếm muộn. Nhiều năm không có con, vợ chồng tôi rất buồn, đôi lúc không dám về quê vì cha mẹ hai bên buồn lòng", chị Huê trải lòng.
Ngành y đã triển khai kỹ thuật chữa hiếm muộn bằng phương pháp IUI, IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) nhưng chi phí quá lớn, nên lúc đầu vợ chồng chị Huê chỉ điều trị bằng thuốc nam, thuốc bắc. Anh chị đi các nơi như Bình Định, Quảng Nam, Hà Nội, Cà Mau... mua thuốc bắc về uống, nhưng chuyện có con vẫn xa vời. Đến năm 2016, anh Hải quyết định nghỉ việc làm cơ khí ở ngành đóng tàu để đi bệnh viện thực hiện kỹ thuật IVF.
|
Bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chia sẻ niềm vui với gia đình chị Huê sau khi thực hiện ca mổ thành công. Ảnh: NVCC |
Sau khi nghỉ việc, anh nhận được 30 triệu đồng tiền bảo hiểm. Hai bên nội ngoại cho 20 triệu, cộng với số tiền vợ chồng anh chị tích cóp được tổng cộng 80 triệu đồng, nhưng vẫn chưa đủ chi phí để thực hiện kỹ thuật IVF. Anh Hải vào TP.Hồ Chí Minh làm việc, đến khi vợ chồng chị dành dụm được số tiền 140 triệu đồng thì thực hiện kỹ thuật IVF. Chị Huê kể, lúc này, bác sĩ chỉ trữ được của vợ chồng chị 3 phôi (2 phôi loại 1, 1 phôi loại 2). Sau khi cấy vào người, phôi chỉ ở với chị được chừng 2 tuần rồi ra đi. Hết tiền mà con thì không có, bao nhiêu nỗ lực, hy vọng, giờ trở thành tuyệt vọng. “Đôi lúc vợ chồng tôi nghĩ đến chuyện chia tay, nhưng rồi nghĩ vợ chồng là cái duyên, cái nợ nên càng cố gắng yêu thương nhau hơn”, anh Hải bộc bạch.
Hạnh phúc mỉm cười
Năm 2019, chị Huê chuyển công tác vào Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Lúc này, chị Huê tập trung thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh và tham gia chống dịch Covid-19. Đến đầu năm 2021, Bệnh viện Mỹ Đức (TP.Hồ Chí Minh) thông báo hỗ trợ 100% chi phí thực hiện kỹ thuật IVF cho 65 cặp vợ chồng hiếm muộn là nhân viên ngành y trong cả nước. Chị Huê nhận được thông tin, nhưng chị lại nghĩ cả nước chỉ hỗ trợ 65 cặp vợ chồng hiếm muộn thì sợ không đến lượt vợ chồng mình. Được đồng nghiệp động viên, chị đánh liều vượt khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, để đến Bệnh viện Gia Đình (TP.Đà Nẵng)- Chi nhánh Bệnh viện Việt Đức (TP.Hồ Chí Minh) để nộp hồ sơ.
|
Hai con trai chị Nguyễn Thị Diễm Huê. Ảnh: A.Nguyệt |
Sau 15 ngày thì hồ sơ được duyệt, 2 tháng sau thì chị được gọi đi làm các kỹ thuật lấy phôi. Vợ chồng chị đã lớn tuổi nên chỉ lấy được 3 phôi, trong đó có 1 phôi loại 1 và 2 phôi loại 3. Sau khi chuyển phôi đi nuôi giữ, vợ chồng chị đều mắc Covid-19 nên không đảm bảo sức khỏe. Mãi đến tháng 3/2022, chị Huê thực hiện cấy phôi loại 1, sau đó nghỉ dưỡng dài ngày. Nhưng rồi, việc cấy phôi loại 1 bất thành. Sau 1 tháng phục hồi sức khỏe, chị Huê được bác sĩ chuyển vào người 2 phôi loại 3 cùng một lúc để cầu may (với niềm hy vọng chỉ 20%). Chị Huê không hề xin nghỉ dưỡng, mặc dù đồng nghiệp khuyên răn nhưng chị vẫn đăng ký làm việc trực ca. Chị còn bán hàng online, ship hàng khắp nơi. Rồi chị đăng ký học lên đại học. Bao nhiêu áp lực với chị nhưng cũng vì mục đích để giảm bớt nỗi lo chị làm việc bất kể ngày đêm. Thế rồi, niềm hạnh phúc cũng đến với đôi vợ chồng chị khi bác sĩ báo tin: Kết quả xét nghiệm Beta HCG tăng cao. Chị Huê hiểu mình đã mang song thai. Niềm vui như vỡ òa sau 12 năm tìm kiếm con. Chị thầm biết ơn bác sĩ, biết ơn nghề đã hỗ trợ vợ chồng chị cho đến ngày sinh nở hai con.
Kể từ ngày sinh con, bà con xóm giềng hai bên nội ngoại người có trứng gà, rau sạch, con gà, trái đu đủ ngon đều biếu cho chị Huê. Niềm vui có được cặp con trai không chỉ gắn kết vợ chồng chị mà còn là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình đôi bên nội ngoại.
Chị Huê nhìn hai con âu yếm chia sẻ, con cái là cái duyên trời cho. Tôi muốn gửi gắm lời nhắn nhủ đến những cặp vợ chồng hiếm muộn, chỉ cần vợ chồng thương yêu và luôn bên cạnh động viên nhau, kiên trì và cố gắng thì hạnh phúc cũng sẽ mỉm cười với mình.
ÁNH NGUYỆT